Eo biển Đài Loan nóng lên từng ngày

0:00 / 0:00
0:00
Chiến đấu cơ Trung Quốc và Đài Loan trong một lần đụng nhau trên bầu trời eo biển Đài Loan hồi năm 2020. Ảnh: AP
Chiến đấu cơ Trung Quốc và Đài Loan trong một lần đụng nhau trên bầu trời eo biển Đài Loan hồi năm 2020. Ảnh: AP
TP - Hôm qua, Trung Quốc mô tả các cuộc diễn tập quân sự gần Đài Loan là “tập trận chiến đấu”, bày tỏ thái độ cứng rắn khi các cựu quan chức cấp cao của Mỹ đến Đài Bắc để thể hiện cam kết của Tổng thống Joe Biden đối với Đài Loan. Trong khi đó, có tin tức nói Mỹ đang thúc giục Nhật Bản ra tuyên bố ủng hộ Đài Loan.

Đài Loan đã phàn nàn về các hoạt động quân sự liên tục của Trung Quốc ngay sát hòn đảo này, cụ thể là tiêm kích và máy bay ném bom tiến vào “vùng nhận dạng phòng không” của họ trong khi một tàu sân bay Trung Quốc tập trận gần hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

“Việc quân đội Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận thực tế ở eo biển Đài Loan là một hành động cần thiết để giải quyết tình hình an ninh hiện tại ở eo biển Đài Loan và để bảo vệ chủ quyền quốc gia”, phát ngôn viên Mã Hiểu Quang của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc nói.

Ông Mã nói thêm: “Đây là một phản ứng trang trọng đối với sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài và sự khiêu khích của các lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan”.

“Các cuộc tập trận và hoạt động huấn luyện của PLA (quân đội Trung Quốc-PV) đang gửi đi một tín hiệu cho thấy, quyết tâm của chúng tôi trong việc ngăn chặn Đài Loan độc lập và sự thông đồng Đài Loan-Mỹ không chỉ là lời nói suông”, Reuters dẫn lời người phát ngôn Trung Quốc.

Trước đây, Trung Quốc rất ít khi bình luận trước công chúng về các hoạt động quân sự của họ gần Đài Loan. Hồi cuối tháng Giêng, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ gọi chúng là “các hoạt động quân sự”.

Mỹ, giống như hầu hết các quốc gia chỉ chính thức công nhận chính phủ Trung Quốc chứ không phải Đài Loan, tuy nhiên, là bên ủng hộ Đài Bắc mạnh nhất. Căng thẳng trong vấn đề Đài Loan gia tăng với mức độ báo động ngày càng cao trong thời gian gần đây.

Cựu thượng nghị sĩ Mỹ Chris Dodd, các cựu thứ trưởng ngoại giao Richard Armitage và James Steinberg đã đến Đài Loan hôm 14/4 trên một chiếc máy bay tư nhân, điều mà một quan chức Nhà Trắng gọi là “tín hiệu cá nhân” về cam kết của Tổng thống Mỹ đối với Đài Loan.

Họ sẽ gặp người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn trong ngày hôm nay. Chuyến công du của các cựu quan chức và nghị sỹ Mỹ chắc chắn làm nóng thêm quan hệ Trung-Mỹ vốn đã rất căng thẳng.

Người phát ngôn văn phòng của bà Thái Anh Văn là Xavier Chang nói chuyến đi “một lần nữa cho thấy mối quan hệ Đài Loan-Mỹ là vững chắc và là một biểu hiện đầy đủ của sự ủng hộ giữa các đảng phái đối với Đài Loan tại Mỹ”.

Ông Mã Hiểu Quang nói cuộc gặp của người Mỹ với bà Thái “sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan”, bất kể đây là chuyến thăm chính thức hay không.

Thúc giục Tokyo

Chuyến thăm Đài Loan diễn ra trong lúc có tin tức nói Mỹ đang thúc giục Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide ra tuyên bố chung ủng hộ Đài Loan trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sự hung hăng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, khi ông Suga gặp Tổng thống Joe Biden vào 16/4 này.

Thủ tướng Suga sẽ đến thăm Nhà Trắng để tham dự hội nghị thượng đỉnh nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Nhật đối với chiến lược của Tổng thống Biden trong việc hợp tác với các đồng minh chống lại Bắc Kinh.

Financial Times dẫn “bốn người thạo tin” nói, Mỹ muốn đề cập vấn đề Đài Loan trong tuyên bố chung của đôi bên. Lần gần nhất lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ đề cập Đài Loan trong một tuyên bố chung là vào năm 1969, giữa Thủ tướng Eisaku Sato và Tổng thống Richard Nixon.

Một quan chức cấp cao của Mỹ hồi tháng trước nói với Financial Times rằng, chính quyền Biden lo lắng Trung Quốc đang muốn giành quyền kiểm soát Đài Loan.

Nhà Trắng muốn củng cố thông điệp mà Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin cùng hai người đồng cấp Nhật Bản là Toshimitsu Motegi và Nobuo Kishi gửi tới Trung Quốc gần đây, nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Nhưng các quan chức Nhật Bản đã chia rẽ về việc liệu ông Suga có nên bình luận về Đài Loan hay không, theo hai nguồn tin “quen thuộc với tình hình”.

Một người nói, một số người ở Nhật Bản tin rằng, tuyên bố song phương gần đây đã gửi một thông điệp tới Trung Quốc và việc lặp lại các bình luận ở cấp độ ông Biden và Suga sẽ chỉ nhằm mục đích chống lại Bắc Kinh. Những người khác nhấn mạnh Nhật Bản phải giữ vững lập trường với Mỹ.

Mireya Solís, một chuyên gia về Nhật Bản tại Viện nghiên cứu Brookings, nhận định ông Suga có khả năng lặp lại tuyên bố gần đây nhưng bà nói thêm rằng Tokyo lo ngại về việc phá hoại “mối quan hệ được dàn dựng cẩn thận” với Bắc Kinh từ cách đây vài năm.

MỚI - NÓNG