Theo ông Rabie, Ai Cập có quyền tạm giữ tàu container Ever Given cho đến khi chủ tàu Nhật Bản - Shoei Kisen Kaisha bồi thường cho cơ quan quản lý kênh Suez số tiền 916 triệu USD (tương đương 21,1 nghìn tỉ đồng).
Số tiền này bao gồm thiệt hại về kinh tế mà con tàu Ever Given gây ra cho cơ quan quản lý Suez trong gần một tuần chắn ngang kênh đào, cũng như chi phí bảo trì và chi phí cho chiến dịch cứu hộ.
“Con tàu đã chính thức bị tạm giữ. Họ không muốn trả tiền”, ông Rabie nói trên truyền hình Ai Cập.
Không chỉ con tàu, mà hàng chục ngàn container trên tàu cũng đã bị “đóng băng” cho đến khi tranh chấp được giải quyết.
Đáp lại, UK Club – công ty bảo hiểm của tàu Ever Given ngày 13/4 cho biết đã phản hồi yêu cầu bồi thường từ SCA.
UK Club cho rằng con số mà SCA đưa ra là không hợp lý. SCA không giải thích chi tiết về số tiền bồi thường đặc biệt lớn này. Trong đó có 300 triệu đô la “tiền phụ thu” và 300 triệu đô la “tiền bồi thường tổn hại danh tiếng”, nhưng lại không bao gồm bản thống kê độc lập của nhà thầu chịu trách nhiệm giải cứu tàu Ever Given.
Ông Rabie nói với truyền thông Ai Cập, rằng việc bắt bớ là biện pháp tạm thời trong khi một cuộc điều tra đang được tiến hành.
Nếu cuộc điều tra diễn ra nhanh chóng, và hai bên thống nhất được số tiền bồi thường, thì con tàu sẽ được thả và tiếp tục hải trình của mình.
Shoei Kisen Kaisha vẫn chưa bình luận công khai về việc bắt giữ tàu Ever Given. Đơn vị phụ trách kỹ thuật của tàu, Bernhard Schulte Shipmanagement, xác nhận tuần trước rằng thủy thủ đoàn đang hợp tác với cơ quan chức năng để phục vụ công tác điều tra.
Vụ tắc nghẽn trên kênh đào Suez - một trong những tuyến vận tải đường thủy quan trọng nhất thế giới đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, nhưng may mắn không gây ô nhiễm và không gây thương vong về người.
Tàu Ever Given thoát mắc cạn sau sáu ngày, và kênh đào Suez đã nhanh chóng nối lại hoạt động.
Đồ họa: Thanh Hằng - Minh Hạnh |