Nội dung trên là thông tin mới nhất của cựu nhân viên tình báo Edward Snowden trên tờ Washington Post số ra ngày 30/6.
Cựu nhân viên tình báo Edward Snowden trong buổi ghi hình của Kênh 4 do Đài truyền hình Anh phát ngày 24/12/2013. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Những tài liệu mới tiết lộ của nhân vật bị gọi là "kẻ đốt đền" này bao gồm một văn bản chứng nhận tuyệt mật do Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài thông qua năm 2010, theo đó trao cho NSA quyền do thám toàn bộ 193 quốc gia trên thế giới, ngoại trừ Anh, Canada, Australia và New Zealand, những nước có thỏa thuận không do thám với Mỹ. Cùng với nhiều tài liệu mật khác, văn bản trên cho phép phạm vi thu thập thông tin của NSA là vô giới hạn.
Bài báo khẳng định các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đều thuộc diện do thám của NSA.
Phó Giám đốc phụ trách tư pháp của Liên minh Tự do công dân Mỹ Jameel Jaffer, người được Snowden gửi các tài liệu này nhận định các tiết lộ trên cho thấy phạm vi rộng lớn của hoạt động do thám của chính phủ cũng như vai trò giám sát hữu hạn của tòa án đối với các cơ quan này.
Vụ bê bối do thám bùng nổ từ hồi tháng 6/2013 đẩy giới tình báo Mỹ vốn ẩn mình trong bóng tối ra trước búa rìu dư luận khi các tiết lộ cho biết NSA đã thu thập các cuộc điện thoại, thư điện tử và dữ liệu mạng của tất cả các công dân Mỹ, đồng thời nghe lén nhiều nguyên thủ quốc gia, gây tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh của nước Mỹ cả trong và ngoài nước.
Vụ việc đã khiến các cơ quan lập pháp Mỹ phải nhanh chóng cải cách hệ thống tình báo nước này theo hướng không xâm phạm quyền riêng tư của công dân Mỹ trong khi vẫn đảm bảo được an ninh quốc gia.
Snowden trở thành "kẻ tội đồ" của nước Mỹ, phải trốn sang Nga và được Moskva cấp quy chế tị nạn có thời hạn.