Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng, một quả chuối đổ ra đường, cũng rất khổ cho dân; việc “giải cứu” chuối hay thanh long… của các tổ chức, cá nhân chỉ mang tính tình thế, “lá lành đùm lá rách” chứ không phải là thị trường, lâu dài.
Theo ông Sơn, hiện Bộ NN&PTNT mới chỉ làm quy hoạch những cây trồng chính như: lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, điều…và năm nào cũng có xem xét, điều chỉnh theo tín hiệu thị trường. Còn những cây trồng phụ, địa phương phải định hướng về quy mô. Chẳng hạn như cây chuối, dù chưa có quy hoạch, nhưng các địa phương cũng xác định quy mô vùng trồng trên cơ sở tiên liệu thị trường như ở Thái Bình, Hưng Yên, Lào Cai, Long An…
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục trưởng Trồng trọt, cái khổ của nông dân là chạy theo phong trào nên phá vỡ quy hoạch thường xuyên. “Hiện số nông dân trước khi sản xuất biết lo đường tiêu thụ rất ít, nên mới có hiện tượng mỗi ngày “vỡ” một tí, nay chuối, mai thanh long, vài bữa là hành tím... Trong bối cảnh sản xuất chưa bám sát quy hoạch, định hướng, làm kiểu chạy theo, thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ rất dễ trả giá”- ông Sơn noi.
“Không có hợp đồng liên kết, mà bà con cứ ùn ùn mang dưa, chuối lên cửa khẩu chờ đó xuất đi Trung Quốc, dại gì họ không gây sức ép để hưởng lợi”.
Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT Nguyễn Hồng Sơn
Ông Sơn cũng cho rằng, cũng vì thiếu liên kết, nên phân chia lợi nhuận giữa người nông dân với thương lái, thương mại không công bằng, phần thua thiệt luôn là nông dân.
“Ở miền Nam có thể bán 5.000 đồng/kg cam sành, nhưng ở Hà Nội tới 25.000 đồng/kg. Do vậy, lực lượng thương lái đôi khi họ thao túng giá, thậm chí còn làm giá ảo nâng lên, đẩy xuống để hưởng lợi. Làm gì có chuyện cũng là thanh long xuất đi Trung Quốc nhưng sáng 15.000 đồng/kg, chiều giảm xuống còn 5.000 đồng/kg”- ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, trước tình trạng trên, chính quyền địa phương là người nắm sát nhất, thấy bà con có phong trào trồng cây gì đó ào ào thì nên rà soát kênh thông tin thị trường để cảnh báo, định hướng quy mô phù hợp, có biện pháp để phòng ngừa. Đừng để người dân chạy theo trào lưu, không có kiểm soát. Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng cho biết, tiềm năng cây chuối rất tốt, nhiều nước sử dụng chuối trong bữa ăn, do giá trị dinh dưỡng cao trong khi chuối chỉ trồng được các nước nhiệt đới, nhất là Việt Nam. Để phát triển bền vững, cần có sự liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp qua hợp đồng thu mua ký kết.