Đường Vành đai 4: Giải phóng mặt bằng 'một lần' để tránh sốt đất

0:00 / 0:00
0:00
Đường cao tốc Vành đai 4 được thiết kế cầu cạn tương tự như đường trên cao nội đô Hà Nội. Ảnh: Trọng Đảng
Đường cao tốc Vành đai 4 được thiết kế cầu cạn tương tự như đường trên cao nội đô Hà Nội. Ảnh: Trọng Đảng
TPO - Sau khi nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án đường Vành đai 4 với kinh phí 94.000 tỷ đồng, UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ngành có liên quan triển khai các bước tiếp theo, trong đó có thống nhất phương án giải phóng mặt bằng (GPMB), thời gian thực hiện dự án.

Với chiều dài 98 km và chiều rộng mặt cắt ngang trung bình là 120 mét, dự án đường Vành đai 4 đi qua 3 tỉnh là Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên. Dự án này được đánh giá là phải giải phóng mặt bằng để có quỹ đất thi công rất lớn. Theo số liệu được tư vấn thiết kế tính toán, khảo sát quỹ đất là trên 1.400 ha, trong đó thành phố Hà Nội là 904 ha, tỉnh Bắc Ninh là 285 ha, tỉnh Hưng Yên là 277 ha.

Theo đại diện các Sở TN&MT Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, quỹ đất cần giải phóng thuộc khu dân cư khoảng 44 ha, đất trồng lúa 918 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 334 ha; các loại đất hỗn hợp khoảng 170 ha.

Từ thực tế triển khai đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố thời gian qua, đại diện liên ngành Hà Nội gồm Sở TN&MT - KH&ĐT - Sở GTVT đánh giá, phương án giải phóng mặt bằng rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án nhanh hoặc chậm. Do vậy, sau khi thống nhất với nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án, liên ngành Hà Nội tham mưu cho UBND thành phố nên GPMB dự án Vành đai 4 theo phương án “một lần”.

Cụ thể, từ quy mô, chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch, các cơ quan có liên quan thực hiện GPMB một lần theo mặt cắt ngang, chiều dài đi qua mỗi địa phương. “Phương án này có ưu điểm là thuận lợi trong quản lý chặt chẽ quỹ đất, phục vụ tốt công tác thi công mở rộng trong giai đoạn hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch”, đại diện liên ngành Hà Nội đánh giá.

Cũng theo đại diện liên ngành Hà Nội, kinh phí giải phóng mặt bằng tái định cư theo phương án này cũng thấp hơn phương án giải phóng theo tiến độ do giá đền bù để thu hồi đất ngày càng tăng cao. Việc thực hiện như trên sẽ tránh được việc giá đất lên cao tại mỗi thời điểm.

Đề cập đến việc khảo sát số lượng hộ dân bị ảnh hưởng, phải tái định cư, đại diện liên ngành cho biết, có tổng cộng hơn 16.600 hộ dân, trong đó 1.997 hộ dân phải bố trí tái định cư (di dời khỏi nơi ở) để lấy mặt bằng thi công dự án.

Về kinh phí cho việc GPMB, tái định cư, theo tính toán của Tư vấn thiết kế là khoảng 24.200 tỷ đồng. Để các địa phương được giao khi GPMB chủ động triển khai theo tiến độ, nguồn vốn đầu tư này các Sở TN&MT Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đề nghị ưu tiên sử dụng vốn ngân sách tại địa phương và ngân sách trung ương.

Thi công trong 7 năm

Thay vì chia dự án làm 7 đoạn và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia từng đoạn với tổng mức đầu tư hơn 130 nghìn tỷ đồng như phương án mà UBND thành phố báo cáo ban đầu, tuyến đường Vành đai 4 vừa được nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất chia tuyến đường làm 3 dự án thành phần để lập hồ sơ triển khai. Tổng mức đầu tư cho phương án này là hơn 94.000 tỷ đồng, giảm trên 36.000 tỷ đồng so với phương án trước đó.

Về thông số thiết kế kỹ thuật, tờ trình của nhà đầu tư cho biết, Vành đai 4 sẽ lấy trọng tâm là đường cao tốc với tiêu chuẩn thiết kế vận tốc là 100 km/h; tiếp đó là hệ thống đường song hành (đường gom) vận tốc thiết kế 60-80km/h. Đường cao tốc tại dự án có mặt cắt ngang rộng 6 làn xe; đường gom đô thị nằm song song hai bên; ngoài ra tuyến đường còn có hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và quỹ đất dự trữ mở rộng (có thể dành cho đường sắt đô thị trong tương lai). Tổng chiều rộng mặt cắt ngang toàn tuyến được tính toán rộng 120m.

Về đầu tư và huy động vốn cho dự án, UBND thành phố Hà Nội vừa lập ra Hội đồng thẩm định để thẩm định, đánh giá hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư. Theo đó, sau khi xem xét đề xuất, Hội đồng thẩm định đã thống nhất để báo cáo với UBND thành phố, chia hình thức đầu tư dự án thành 3 dự án thành phần.

Đường Vành đai 4: Giải phóng mặt bằng 'một lần' để tránh sốt đất ảnh 1

Đường Vành đai 4 có mục tiêu giảm quá tải cho đường vành đai nội đô. Ảnh: Trọng Đảng

Cụ thể, với dự án thành phần 1: Giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn vốn huy động là ngân sách; Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành (đường đô thị, đường gom) - nguồn vốn đầu tư là chi đầu tư công (ngân sách). Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường cao tốc và tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long - nguồn vốn đầu tư huy động theo hình thức PPP (đối tác công tư).

Do chi phí đầu tư tuyến đường Vành đai 4 lớn, UBND thành phố Hà Nội đã có đề nghị các tỉnh thành nơi tuyến đường đi qua cùng chia sẻ trách nhiệm. Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, các địa phương này đã có chủ trương sẽ cùng với thành phố “góp” vốn để làm đường Vành đai 4.

Về tiến độ triển khai dự án, Hội đồng thẩm định UBND thành phố Hà Nội vừa thống nhất với nhà đầu tư sẽ chia ra các mốc thời gian (giai đoạn) để thực hiện, bao gồm: từ năm 2021 - 2022 chuẩn bị công tác lập hồ sơ đầu tư dự án; từ năm 2022 đến 2025 thực hiện GPMB; từ 2022 - 2026 thi công đường gom đô thị đi bằng; từ 2022 đến 2029 thi công đường cao tốc trên cao. Tổng thời gian thi công dự án 7 năm.

Cho ý kiến về phương án thi công và GPMB trên, TS Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và Nông thôn cho biết, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 không chỉ cấp thiết cho Hà Nội mà còn cho các tỉnh lân cận trong việc giảm ùn tắc giao thông trong nội đô, cũng như kết nối vùng để phát triển kinh tế - xã hội.

“Trong 2 năm tới Hà Nội và các tỉnh thành liên quan cần thực hiện GPMB đúng theo tiến độ dự án, nhằm tránh bị chậm, đội giá. Cùng với đó, việc GPMB “một lần” theo quy mô và thời gian thi công 7 năm sẽ ảnh hưởng lớn đến người dân vì quỹ đất đã thu hồi người dân không thể canh tác, trồng trọt. Thế nên cần có phương án sử dụng ngay, hiệu quả để tránh lãng phí”, ông Quảng nói.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.