Bà Trần Tố Nga vừa có mặt ở Hà Nội để ra mắt cuốn tự truyện “Đường Trần” dày hơn 400 trang do NXB Trẻ ấn hành. Chắc chắn đây không phải cuốn tự truyện chạy theo trào lưu đang nở rộ ở ta. Ai đọc sách cũng thấy tấm lòng của một chiến sỹ hiến cuộc đời cho lí tưởng, bà nói thay tiếng nói của một thế hệ trải qua những đau thương và hào hùng của lịch sử đất nước. Đừng thắc mắc vì sao sách dày trong thời buổi con người ngại đọc, đến thể loại tiểu thuyết nhiều nhà văn Việt cũng cố gắng dừng ở độ 200 trang: “Sách viết về một thế hệ, một giai đoạn lịch sử thì không thể ngắn được. Đường trần của cả một thế hệ, cũng là đường Trần Tố Nga”, tác giả giải thích.
Đọc “Đường Trần” khiến tôi nhớ đến cố nhà thơ Thanh Hải, khi ông viết “Mùa xuân nho nhỏ” ngay trên giường bệnh: “Một mùa xuân nho nhỏ/Lặng lẽ dâng cho đời/Dù là tuổi hai mươi/Dù là khi tóc bạc”. Những câu thơ đẹp vì một tâm nguyện đẹp. Trần Tố Nga cũng viết tự truyện trong hoàn cảnh tương tự. Bà kể: “Cuốn sách này ban đầu tôi viết túc tắc, không khẩn trương lắm. Đến lúc tôi được tin bị ung thư, vào đúng ngày đầu tiên của tuổi 76, ngày 30 tháng 3 vừa qua, tôi phải chạy đua với thời gian trước khi lên bàn mổ, bởi tôi không biết điều gì sẽ xảy ra sau mổ. 2 ngày trước khi tôi thực hiện cuộc đại phẫu thuật, ngày 11 tháng 5, cột sống của cuốn sách hình thành. Trong thời gian hai tuần lễ tiến hành xạ trị tôi và một người bạn đã biên tập, rà soát, cắt tới cắt lui, để cuốn sách được như bây giờ”.
Một cuốn sách ra đời trong hai tháng, ở tình trạng bệnh tật hiểm nghèo, đủ thấy bản lĩnh của nữ phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng năm nào. Không phải lần đầu tiên Trần Tố Nga viết sách. Năm 2016, bà đã tặng nhân dân Pháp cuốn sách mang tên “Mảnh đất bị nhiễm độc của tôi”, cũng nói về cuộc đời Trần Tố Nga để thông qua đó giúp người Pháp hiểu rõ hơn về nhân dân Việt Nam và chiến tranh Việt Nam theo cách như bà nói “không tô hồng, cũng không bôi đen”.
“Mảnh đất bị nhiễm độc của tôi” bán được khá nhiều trên đất Pháp, một mặt do sức hấp dẫn của sách, mặt khác nhiều người muốn được đóng góp chút ít vật chất vào cuộc chiến không cân sức giữa người đàn bà nhỏ bé đã ở đoạn cuối của cuộc đời với 26 công ty hóa chất của Mỹ đã từng sản xuất chất độc da cam dioxin trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Mua một cuốn là góp 5 euro vào quỹ của vụ kiện. Với “Đường Trần” cũng vậy, Trần Tố Nga không tặng: “Bạn mua sách có nghĩa là bạn đã đóng góp vào vụ kiện, vào cuộc đấu tranh đòi công lí”.
Tin tưởng ở cuộc chiến không cân sức
Ngày 28 tháng 9 tới đây, bà Trần Tố Nga sẽ bước vào phiên tòa thứ 9 của một cuộc chiến báo trước cam go và kéo dài: “Trước đó đã diễn ra 8 phiên, vụ kiện từ khi bắt đầu chuẩn bị đến bây giờ đã kéo dài hơn 8 năm. Một mình tôi đứng ra kiện vì tôi có điều kiện để kiện”. Trần Tố Nga mang quốc tịch Pháp, bà cũng từng được Nhà nước Pháp tặng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh vì những hoạt động gìn giữ ký ức về nạn nhân và cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Đông Dương.
Bà giải thích về vụ kiện đa quốc gia mà bà đang đứng nguyên đơn như sau: “Nạn nhân chất độc da cam trên thế giới rất nhiều. Riêng tại Việt Nam đã hơn 4 triệu người, tại Triều Tiên, Philippines, New Zealand, Australia, Mỹ… hàng chục ngàn người nữa. Tôi là trường hợp hiếm hoi hội đủ các điều kiện để khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ theo luật của nước Pháp, trên đất Pháp: Tôi là nạn nhân da cam và có quốc tịch Pháp”. Trên nước Pháp cũng chỉ có ba luật sư làm công việc này, họ hết lòng hết dạ với nạn nhân vì công lí, không lấy thù lao. Nếu kiện cho cá nhân bà, bà không kiện. Việc làm này coi như “cống hiến cuối cùng của người làm cách mạng già”, bà nói vậy. “Người làm cách mạng già” đang phải chiến đấu với những người khổng lồ về tiềm lực kinh tế.
Bà tâm sự với PV TPCN: “Tôi gửi đơn kiện cho 26 công ty thì 19 công ty ra hầu tòa. Phía tôi, bên nguyên đơn, chỉ có 3 luật sư làm không lấy tiền và tôi, một người đàn bà lớn tuổi. Còn phía bị đơn, mỗi công ty thuê 2 luật sư, tổng cộng 19 công ty là 38 luật sư, 3 luật sư “chọi” 38 luật sư. Một cuộc chiến không cân sức”. Chính vì vậy bà bị gây khó dễ đủ điều, 8 phiên tòa mở ra vẫn chưa đi đến đâu: “Có những lời phản biện từ phía bị đơn rất độc ác, khiến tôi cảm thấy bị tổn thương, bị xúc phạm”. Nhưng bà vẫn quyết tâm đi đến cùng vụ kiện, không chấp nhận hòa giải ngoài tòa để nhận được số tiền bồi thường khủng: “Chịu hòa giải ngoài tòa thì nhận được chục triệu đô la là chuyện bình thường. Tôi nghèo thì nghèo nhưng mục tiêu vẫn là tạo án lệ để cho những nạn nhân sau mình có đường bước tiếp”.
Trần Tố Nga bật mí về đời sống của bà ở Pháp: “Tôi bị liệt vào dạng dưới nghèo, thu nhập không có, trợ cấp nhà nước, một tháng trừ thuế nọ thuế kia, chỉ còn 300 EUR để sống, nên đồ ăn thức uống đều đem từ Việt Nam qua”. Nhưng đời sống khó khăn không phải vấn đề với bà: “Ở Trường Sơn tôi đã cực quen rồi”. Sở dĩ bà còn ở lại Pháp vì còn theo đuổi vụ kiện, còn chứng bệnh phải theo dõi. Bà phải đương đầu với giám định y khoa do tòa án chỉ định, bởi phía các công ty sản xuất hóa chất bên Mỹ đương nhiên phủ nhận bà là nạn nhân chất độc da cam: “Một thời gian tôi không dám uống thuốc, sợ nó hạ bệnh thì sao. Nhưng bây giờ thì thôi không còn sợ nữa. Tôi bị nhiều bệnh nhưng ung thư là bệnh đặc trưng của nạn nhân chất độc da cam”. Đó là lí do vì sao bà vui mừng khi nhận tin dữ: “Bữa trước người ta nói chị không có ung thư nên khó khẳng định là nạn nhân chất độc da cam nhưng bây giờ tôi ung thư rồi”, bà cười mà mắt ngấn lệ. Trần Tố Nga kể về người con của mình: “Con tôi đã mang bệnh di truyền của tôi, vừa rồi phát hiện thêm bệnh di truyền về cột sống, là một người mẹ tôi rất cực lòng vì mình toàn di truyền cho con bệnh tật nhưng là người đi kiện thì tôi lại có thêm chứng cứ”.
Vụ kiện mang tên Trần Tố Nga nhưng bà không đơn độc vì nhận được sự ủng hộ, tin cậy, gửi gắm của rất nhiều người, không chỉ là nạn nhân chất độc da cam. Trong đó quê hương bà, Sóc Trăng, đã vận động được 40.000 chữ ký của nhân dân: “Phía bị đơn không sợ tôi, họ sợ lực lượng phía sau tôi”, bà chia sẻ. Ngay cả vấn đề tài chính để giải quyết yêu cầu của vụ kiện, bà Tố Nga cũng nhận được sự hỗ trợ lớn. Chỉ riêng việc dịch đơn kiện dày 30 trang có công chứng quốc tế đã tốn 36.000 EUR. Và vụ kiện vẫn còn đang tiếp tục, đầy thách thức.
“Còn một ngày nữa tôi lên bàn mổ. Nhưng tôi vẫn hoàn toàn tin rằng chúng tôi sẽ chiến thắng, bởi sát cánh bên tôi có nhân dân tôi, có ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân tại Paris, trong cả nước Pháp, ở châu Âu và cả trên đất Mỹ, mảnh đất khơi nguồn của thảm họa da cam trên đất nước Việt Nam yêu dấu của tôi”.
Trích “Đường Trần”
Sống được thế đã lời
"Trong mấy chục năm ròng, tôi đâu ngờ rằng, chính mình là nạn nhân dioxin da cam, nên tự quy cho mình trách nhiệm di truyền gen xấu, mang lại tai họa cho con. Tôi từng bị dày vò và nặng nề vì điều đó”, bà viết trong tự truyện. Trần Tố Nga phơi nhiễm chất da cam ở Củ Chi “chất da cam đã trút xuống đầu khi tôi vừa nhô ra khỏi hầm”, ở Bù Đốp (Bình Phước), khi bà “lội bì bõm trong những đầm sình lầy lá mục rụng xuống do bị rải chất da cam nhiều lần”. Nhiều năm qua bà vẫn về nước hoạt động thiện nguyện. Chứng kiến những mảnh đời bất hạnh do di chứng nặng nề của chất độc hóa học trong chiến tranh đã khiến bà có khi bật khóc như một đứa trẻ. Nỗi đau của bản thân cộng với nỗi đau của biết bao những con người, những thế hệ trên đất mẹ đã tạo cho bà sức mạnh để bước vào cuộc chiến đòi công lý.
Năm 2009, tòa án lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam Việt Nam mở tại Paris, với tư cách nhân chứng bà đã trình chứng thư có đoạn thách thức những tập đoàn sản xuất chất diệt cỏ đã rải lên Việt Nam từ năm 1961 đến 1971, đang chối bỏ trách nhiệm của mình, hãy đến Việt Nam, hãy đến với các nạn nhân chất độc da cam, “để tận mắt thấy, để tận tay sờ lên những vết thương, để cảm nhận đến tận cùng nỗi thảm khốc ghê gớm mà mình đã gây ra, để cùng tìm một giải pháp để chuộc lại lỗi lầm”. Chứng thư của bà đã gây ấn tượng mạnh mẽ tại phiên tòa. Từ đây, bà đã gặp được những người có trái tim nhân hậu như William Bourdon - luật sư hàng đầu nước Pháp chuyên về vấn đề nhân quyền. Ông đã cùng bà bước vào cuộc đối đầu với các tập đoàn, công ty hóa chất khổng lồ của Mỹ. Trước đó, các hoạt động pháp lý đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam đều rơi vào bế tắc như chúng ta đã biết.
Cái chết đối với bà Trần Tố Nga chưa bao giờ đáng sợ. Ở tuổi 76 bà tự trào: “Sống được thế đã lời”. Bà chỉ sợ không kịp làm những gì cần cho vụ kiện vì bốn triệu nạn nhân chất độc da cam. Tự truyện “Đường Trần” cũng là tâm tình bà Trần Tố Nga muốn gửi đến bạn trẻ Việt Nam. Đọc “Đường Trần” người trẻ sẽ hiểu hơn về một thế hệ cả đời tận trung với lí tưởng, dù trên mỗi bước đường đều gặp chông gai. Nhà thơ Thanh Thảo trong “Trường ca đi tới biển” từng viết: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc...”.