Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được thiết kế 350 km/h

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế là 350 km/giờ, vận tải hành khách và vận tải hàng hoá khi có nhu cầu; còn tuyến đường sắt hiện hữu sẽ chuyển sang phục vụ vận tải hàng hoá.

Sáng 26/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Cao tốc chở khách, đường sắt cũ chở hàng

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế là 350 km/giờ, vận tải hành khách và vận tải hàng hoá khi có nhu cầu; còn tuyến đường sắt hiện hữu sẽ chuyển sang phục vụ vận tải hàng hoá.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp với Tổng cục Thống kê, Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đánh giá tác động của Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đến nền kinh tế cho thấy dự án có thể đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GDP mỗi năm trong giai đoạn 2025-2037.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được thiết kế 350 km/h ảnh 1

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại cuộc họp.

Bên cạnh việc thực hiện cải tạo, nâng cấp để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, Ban Quản lý dự án đường sắt cũng đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia: Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, TPHCM - Cần Thơ, Thủ Thiêm - Long Thành, Biên Hoà - Vũng Tàu…

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết các dự án đường sắt mang lại hiệu quả lớn về mặt kinh tế nhưng hiệu quả tài chính dự án không cao, nên ngân sách nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư.

Giữ lại ga đường sắt ở trung tâm các đô thị lớn

Theo GS.TS. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, ngoài mục tiêu vận tải hành khách, tuyến đường sắt tốc độ cao phải tăng thị phần vận tải hàng hoá đường dài, có như vậy mới giảm chi phí logistics; và "dứt khoát phải liên thông với các tuyến đường sắt quốc tế".

Đồng tình, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng trong tương lai việc đánh thuế carbon sẽ làm chi phí vận tải đường bộ, đường thuỷ, hàng không tăng mạnh, trong khi đây sẽ là ưu thế của vận tải đường sắt chặng dài.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được thiết kế 350 km/h ảnh 2

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận cuộc họp.

Ghi nhận ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, một quốc gia công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần phát triển đường sắt tốc độ cao để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong xu thế chuyển đổi xanh hiện nay.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý phải giữ lại các nhà ga trung tâm ở các đô thị lớn mang tính biểu tượng, đồng thời bảo đảm hành lang an toàn bằng cách kết hợp với tuyến đi trên cao, đi ngầm.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT làm rõ hiệu quả kinh tế, công nghệ, kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành đường sắt tốc độ cao kết hợp vận tải hành khách với hàng hoá trên thế giới; phương án huy động nguồn vốn, phân kỳ đầu tư; mô hình tổ chức bộ máy quản lý, vận hành đồng bộ, thống nhất; phương án tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ tiến tới làm chủ và xây dựng ngành công nghiệp đường sắt trong nước…

MỚI - NÓNG