Đường sắt bết bát vì hàng không giá rẻ?

Đường sắt tiếp tục có một năm sản xuất, kinh doanh khó khăn, khi các số liệu đều không đạt kế hoạch đặt ra.
Đường sắt tiếp tục có một năm sản xuất, kinh doanh khó khăn, khi các số liệu đều không đạt kế hoạch đặt ra.
TPO - Kết thúc năm 2019, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR) tiếp tục ghi nhận những số liệu không mấy khả quan khi không đạt kế hoạch đặt ra, nối dài những khó khăn, đà tụt giảm, khi bị cạnh tranh về hành khách với hàng không gia rẻ và hàng hoá với hàng hải, đường bộ.

Nhìn lại 1 năm qua, Chủ tịch HĐTV VNR Vũ Anh Minh cho biết, năm 2019 là 1 trong 3 giai đoạn khó khăn nhất lịch sử ngành đường sắt (trước đó là năm 1979 và 1984). Khi đường sắt chưa đạt kế hoạch và không như kỳ vọng.

So sánh với các loại hình vận tải khác, ông Minh cho hay: “Khó khăn của đường sắt nằm ở thay đổi tư duy, con người, vì con người làm ra cơ chế. Theo luật, đường sắt được xác định là phương thức vận tải chủ đạo, nhưng chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức như vậy”, ông Minh nói, và hy vọng được nhìn nhận đúng vai trò để tiến tới thay đổi tư duy, cách nhìn của các bộ ngành, địa phương và toàn xã hội.

Theo VNR, năm 2019, đường sắt chịu áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ hàng không giá rẻ và đường bộ cao tốc về vận tải hành khách, khi các hãng hàng không liên tục ra đời và mở các đường bay ngắn và trung bình, vốn là lợi thế của đường sắt. Về vận tải hàng hoá, đường sắt chịu áp lực cạnh tranh với đường biển và đường bộ. Dẫn tới thị phần vận tải đường sắt liên tục giảm.

Dù khó khăn như vậy, nhưng năm vừa qua, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt không được giao vì vướng cơ chế, dẫn tới một số điểm nghẽn về hạ tầng không được giải quyết. Trong khi đó, một số địa phương lại muốn di dời ga đường sắt ra khỏi nội đô, như Bình Định muốn dời ga Quy Nhơn, Đà Nẵng muốn dời ga Đà Nẵng.

Về kết quả sản xuất kinh doanh, năm 2019, sản lượng vận tải đạt hơn 8.400 tỷ đồng. Tổng doanh thu hơn 8.190 tỷ đồng, bằng năm trước, nhưng thấp gần 3% so với kế hoạch năm. Thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 9,1 triệu đồng/người.

Trong đó doanh thu công ty mẹ đạt hơn 2.388 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ và thấp hơn 3% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 14 tỷ đồng (bằng 14% so với năm trước).

Khối vận tải đạt tổng doanh thu hơn 4.200 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ và thấp hơn 8% so với kế hoạch năm.

Trong năm qua, VNR đã đẩy mạnh ký kết hợp tác vận tải với các DN sản xuất lớn để vận chuyển hàng hoá. Đặc biệt, với vận tải hành khách, bên cạnh nâng cao chất lượng toa xe, phục vụ, đã áp dụng nhiều hình thức bán vé mới, như bán vé trực tuyến qua điện thoại, qua app, xây dựng chính sách cho khách hàng thân thiết…

MỚI - NÓNG