Các sản phẩm chim rừng, chim hoang dã lâu nay vẫn được nhiều người săn lùng bởi họ cho rằng những gì thuộc về tự nhiên, hoang dã thì rất quý hiếm, bổ béo. Việc ăn những thứ này càng thể hiện họ là người sành điệu, biết thưởng thức.
Mặc dù biết rõ các hành vi bắt bẫy, buôn bán chim hoang dã là vi phạm pháp luật nhưng bằng nhiều cách khác nhau, những kẻ tận diệt chim trời vẫn kết nối được với nhau để thực hiện các hành vi mua bán những con chim vô tội.
Tận dụng sự nở rộ của mạng xã hội, nhiều con buôn đã rao bán các mặt hàng chim rừng, chim hoang dã với những hình ảnh trực quan vô cùng sống động.
Nhan nhản các bài viết bán chim trời trên chợ mạng (Ảnh chụp màn hình). |
Trong những nhóm Facebook hoạt động công khai hoặc kín như "Chim rừng thịt", "Yêu đồ rừng", rất nhiều tài khoản rao bán các loại chim hoang dã như giang, vạc, cuốc bèo, tu hú, rẽ giun, mòng két, diệc, cò trắng, cò bợ, gà nước, sâm cầm…
Ngày 15/11, phóng viên kết nối với chủ tài khoản H. T sau khi thấy bài đăng của người này có đủ clip quay hàng chục con tu hú, chim cuốc và vạc đang nhốt trong lồng và nhiều hình ảnh chụp chim đã được chế biến vàng ươm trên thớt.
Qua điện thoại, nam thanh niên ở Tiên Du, Bắc Ninh xác nhận mình có đủ hàng, có thể "ship (vận chuyển) tận nơi" theo yêu cầu của khách.
Tuy nhiên, hiện tại là cuối mùa chim di cư nên T. hiện chỉ có chủ yếu là giang (giang sen), giá bán 650.000 đồng (trọng lượng khoảng 1,3kg-1,4kg/con), cò bợ đông lạnh (55.000-60.000 đồng/con).
"Chim rừng thì không thể có quanh năm mà phải ăn theo mùa. Mùa nào có chim gì thì bắt chim ấy. Chim trên trời, muốn mua nhiều đôi khi cũng không có. Em lấy lại của thợ, hôm nhiều được 40-50 con, hôm ít chỉ 20-30 con là cùng", T. giải thích.
Các loại chim hoang dã T. đăng bán (Ảnh: H. T). |
Cũng theo chủ hàng này, anh ta có thể gửi chim sống qua xe khách vận chuyển về Hà Nội. "Em thường xuyên gửi về Bến xe Mỹ Đình. Khách ở Hà Nội vẫn nhận bằng cách này. Hàng đảm bảo còn sống, nguyên lông", T. nói về cách thức vận chuyển chim hoang dã của mình.
Hà Nội có lẽ là một trong những thị trường tiêu thụ chim hoang dã sôi động bởi đầu nậu có tài khoản T. Đ ở Lệ Thủy, Quảng Bình xác nhận Đ. thường xuyên gửi chim rừng qua xe khách về Thủ đô. Ngoài Hà Nội, Đ. còn gửi "hàng" tới Bắc Giang, Hưng Yên, Đà Nẵng và một số tỉnh phía Nam.
"Hà Nội thì dễ gửi lắm, gửi buổi tối là sáng khách đã nhận được. Xe khách vận chuyển sẽ về hai điểm ở Trần Khát Chân và Phạm Hùng, nhận hàng thanh toán qua xe. Nếu đã làm ăn lâu dài thì có thể nhận hàng rồi thanh toán sau", Đ. nói.
Đ. biết rõ đây là "hàng cấm" nên thường không gửi chim sống. Cách Đ. thường làm là đóng gói chim đã thịt trong thùng xốp và không nói rõ bên trong là hàng gì để nhà xe dễ dàng nhận vận chuyển.
Cũng theo người phụ nữ này, chị ta thường thu mua chim hoang dã của người dân trong vùng, sau đó làm thịt rồi cấp đông tươi, có ngày số lượng lên tới vài trăm con.
Dù chim chuyển ra Hà Nội là chim cấp đông nhưng vẫn đảm bảo đỏ, tươi ngon bởi khi mua chim "còn sống, giẫy đành đạch".
Để nhấn mạnh hàng của mình là chuẩn hàng rừng, hàng hoang dã Đ. cho biết, mình chỉ nhận mua hàng chim bẫy, bắt, không nhận hàng nuôi. Những loài chim mà Đ. bán chắc chắn cũng không thể nuôi được.
Để minh chứng cho lời nói, Đ. đã cung cấp nhiều hình ảnh, video quay cảnh mình vừa thu mua chim của người dân. Những con chim bị dính lưới, bẫy keo kêu nháo nhác trong túi lưới. Nhiều con dường như đã kiệt sức vì vùng vẫy, lông cánh tả tơi.
Đ. cho biết thường gửi chim hoang dã đã cấp đông cho các đầu mối ở Hà Nội (Ảnh: NVCC). |
Có thể thấy, từ những hội nhóm trên mạng, người mua - kẻ bán chim trời dễ dàng kết nối với nhau. Có cầu thì ắt có cung khiến số lượng chim trời bị tàn sát ngày một tăng lên.
Theo các chuyến xe và những thùng hàng được ngụy trang, những con chim trời được đưa về Thủ đô hoặc các thành phố lớn. Các nhà hàng chim trời mọc lên ở cả nội thành và ngoại thành Hà Nội.
Đ. nói chỉ thu mua chim rừng còn sống (Ảnh: NVCC). |
Theo nguồn tin của Dân trí, một nhà hàng ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội vẫn quảng cáo có "chim bốn mùa - đặc sản chim trời" tới thực khách. Chủ nhà hàng khi tư vấn thực đơn luôn nhấn mạnh "trừ cu trắng và bồ câu là chim nuôi thì chim hoang dã thường được thịt rồi để tủ cấp đông".
Sáng 21/11, tư vấn cho khách, đại diện nhà hàng này cho biết hiện có sẵn các loại chim sẻ, chim rẽ, chim tu hú, sâm sen, vạc.
"Chỉ khoảng 2 triệu đồng đổ về đã có đủ món sẻ quay, rẽ xào hành răm, tu hú nướng, sâm sen lẩu hoặc hấp, cò vạc rang riềng", người này nói.
Cũng theo người của nhà hàng này, các món chim trời sẽ bán theo mùa, khi thì chao chảo, rẽ, cu trắng, cò trắng, cuốc, te vàng, lúc khác lại có cồng cộc, sâm sen...
Tại một nhà hàng ở quận Cầu Giấy, người bán giới thiệu về các món ăn làm từ chim tự nhiên có phần kín đáo hơn. "Nếu muốn hàng hoang dã thì nhà hàng cũng có, nhưng chỉ có số lượng ít thôi", quản lý nhà hàng nói khi một vị khách nằng nặc đòi thưởng thức món chim trời.
Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/duong-di-cua-chim-troi-soi-dong-tu-cho-mang-den-ban-nhau-giua-thu-do-20231116160329967.htm?