Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng đã quy định mức phạt từ 1-2 triệu đối với hành vi đi vào làn ETC khi không đủ điều kiện.
Cụ thể, tại khoản 3, điều 2 Nghị định 123 quy định: "Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử không dừng) đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí". Như vậy, phương tiện đã có thẻ và tài khoản thanh toán nhưng số tiền trong tài khoản không đủ để qua trạm thu phí cũng bị phạt với mức 1-2 triệu đồng.
Từ ngày 1/8/2022 vừa qua, toàn bộ các cao tốc đã áp dụng thu phí tại 100% các cửa soát vé. Tuy nhiên, lực lượng CSGT chưa áp xử phạt mà chỉ áp dụng hình thức nhắc nhở nên chưa xảy ra tình trạng ùn tắc tại trạm.
Bắt đầu từ 1/8, toàn bộ các tuyến cao tốc áp dụng thu phí không dừng 100% các cửa thu phí |
Là người dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực này, ông Vũ Ngọc Lăng, nguyên Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông, Tổng cục Đường bộ cho biết, nếu CSGT áp dụng biện pháp dừng xe để xử phạt tại trạm thu phí sẽ gây ùn tắc, thậm chí nguy hiểm cho người tham gia gia thông, giảm tác dụng (tăng tốc độ lưu thông) của hình thức thu phí không dừng.
Theo ông Lăng, nếu CSGT áp dụng biện pháp phạt nguội thì mức phạt đến 2 triệu đồng cũng cần xem xét lại. “Tôi đã từng được đi Đài Loan để khảo sát về thu phí không dừng. Tôi có hỏi họ cách xử lý trường hợp xe qua trạm hết tiền và họ cho biết đang áp dụng biện pháp truy thu tại trạm đăng kiểm cộng với một khoản lãi suất cao. Việc chúng ta áp dụng dừng xe hoặc xử phạt mức cao là không đúng xu hướng” – ông Lăng nói.
Dán thẻ thu phí không dừng |
Ông Hồ Trọng Vinh - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động (VETC) cũng xác nhận, Đài Loan và nhiều nước phát triển áp dụng biện pháp truy thu ở trạm đăng kiểm. “Trường hợp tài khoản hết tiền, người ta thu sau tại các trạm đăng kiểm kèm khoản lãi suất hoặc khoản tiền phạt cao. Công nghệ không khó. Tiền phải thu đã được ghi nhận trên hệ thống, chỉ cần xác định ai thu để chuyển dữ liệu là xong. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là có quyết định làm hay không. Trong đó, các chủ đầu tư BOT và ngân hàng phải chấp nhận thu sau những khoản đó, không chốt sổ từng ngày như hiện nay ”.
Ông Vinh cho hay, hình thức thu sau đối với các trường hợp hết tiền trong tài khoản đã được bộ GTVT xem xét, dự định thực hiện ở giai đoạn sau. Tuy nhiên, để thực hiện sớm việc này, Bộ GTVT phải được sự thống nhất của các ngành liên quan, rồi trình chính phủ sủa đổi Nghị định hiện hành.
Trao đổi với Tiền Phong, một cán bộ thuộc Bộ GTVT có trách nhiệm vấn đề này cho hay, việc truy thu qua đăng kiểm, không xử phạt ngay tại trạm đối với những người có tài khoản giao thông hết tiền là xu hướng hiện đại, sẽ phải áp dụng. “Trong giai đoạn này, cần có những biện pháp mạnh để người dân tuân thủ việc nộp phí giao thông tự động. Sau này, chắc chắn sẽ áp dụng những biện pháp tiện lợi hơn cho người dân” – vị này nói.