Cũng trong kết luận, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định, ông Lê Phước Thanh có biểu hiện vun vén cho con trai là Lê Phước Hoài Bảo trong thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Đây lại là một ví dụ nữa về vấn nạn “đúng quy trình” nhưng không đúng người trong việc bổ nhiệm cán bộ: Trước đó, lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đều nói việc bổ nhiệm “thần tốc” con trai vị cựu bí thư Quảng Nam mới 30 tuổi là “đúng quy trình”.
Mà các vị ấy đều nói có lý.“Đúng quy trình” là đúng kể từ sau khi đối tượng đã được đưa vào “quy trình”. Còn trước đó, đưa ai vào quy trình lại là chuyện khác. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào việc “đánh giá cán bộ” của một số quan chức.
Điều 27, 28 Luật Cán bộ công chức có quy định mục đích, nội dung đánh giá cán bộ công chức nhưng không quy định phương pháp đánh giá công chức bằng quy định pháp luật nên đánh giá cán bộ công chức, kể cả đánh giá bổ nhiệm phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá.Và vấn đề nằm ở đây. Quy trình đúng mà người vẫn sai. Đúng quy trình của các vị kể trên chỉ nằm ở “đầu ra”, nhưng “đầu vào” mới quyết định tất cả. Quy trình chỉ là quy trình, vấn đề là lựa chọn người đầu vào để trải qua quy trình ấy. Nếu không lựa chọn kỹ lưỡng, quy trình đó dễ dàng để hợp thức hóa cho người không đảm bảo tiêu chuẩn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói về việc này: “…Rồi quy trình thủ tục là một cách để hạn chế bớt tiêu cực, phát huy cái tốt cái đúng, cho nên phải rất chặt chẽ, bảo đảm uy nghiêm. Nhưng tại sao vừa qua có dư luận: Cái gì cũng làm đúng quy trình, nhưng cán bộ thì lại không đúng, tức là dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai”.
Vậy, muốn thực sự đúng quy trình, đúng người, các đánh giá cán bộ phải được chuẩn hóa, luật hóa, chứ không thể trao vào tay một vài người, quyết định bằng các đánh giá định tính, duy tình, chủ quan. Vấn đề cốt lõi trong việc bổ nhiệm không phải lỗi quy trình mà do thiếu minh bạch. Nếu thi tuyển công chức và công khai, minh bạch thì chắc chắn chọn được người tài. Khi chọn được người tài, ắt xã hội phát triển.