Nhảy trường và nhảy việc
Tôi gặp Ðặng Việt Dũng lần đầu tại một quán cà phê gần Nhà hát lớn Hà Nội vào tháng 4/2015, khi việc phản đối Uber đang cao trào, lơ lửng nghi án trốn thuế. CEO Uber Việt Nam (thành viên của Uber toàn cầu, hiện có vốn hàng chục tỷ USD) mặc sơ mi trắng, ngồi một mình, không thư ký, không máy móc.
Câu chuyện xoay quanh những tranh cãi về pháp lý, lái xe Uber liên tục bị phạt, trốn lực lượng chức năng, cạnh tranh không sòng phẳng với taxi truyền thống và cả việc mù mờ về thuế của Uber. Câu nào anh cũng trả lời, không né tránh; có cái đã giải quyết được; có cái vướng chưa gỡ được, để sau.
Cuối buổi gặp, tôi hỏi: Ðang học thạc sỹ tại Ðại học Harvard, sao lại bỏ dở về làm dịch vụ nhiều tranh cãi này? Dũng nói: “Thế giới gọi Uber là kẻ phá bĩnh thị trường; tôi tin sự phá bĩnh đó sẽ tốt đẹp chứ không trốn thuế, phạm luật. Bố mẹ tôi đều là giảng viên đại học dạy tôi không được làm gì ảnh hưởng đến đất nước và danh dự cá nhân, gia đình”.
Ðến nay, Chính phủ đã đồng ý cho Uber hoạt động, Bộ Tài chính cũng mới thông qua cách tính thuế cho Uber; lượng xe, khách của Uber tăng hàng giờ. Mới đây, Dũng mới tiết lộ: Thời điểm bị phản ứng dữ dội, nhóm làm việc của Uber (khoảng 10 người, hầu hết ít hơn tuổi Dũng) thức đến 2-3 giờ sáng để chuẩn bị tài liệu.
“Quân” của Dũng có khi chỉ vài người, da còn mọng, tóc còn xanh ngồi đối đáp tay bo với hàng chục quan chức, chuyên viên đạo mạo của bộ ngành. Mẹ anh - một nhà giáo già hỏi: “Bao giờ mẹ phải đi đưa cơm cho con”.
Thấy thế, Dũng có lúc cũng định giương cờ trắng (lúc đó, lãnh đạo Uber tại Hàn Quốc cũng bị truy tố vì huy động các xe cá nhân vào hoạt động vận tải bất hợp pháp). “Lúc đó, tôi quan niệm, một việc chỉ được coi là thất bại khi chưa cố gắng hết mình. Thấy chưa hết sức nên tiếp tục làm” - Dũng nói.
Sinh năm 1985, hơn một tuổi, Dũng theo bố sang Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc (theo diện trao đổi chuyên gia). Liên Xô và Ðông Âu sụp đổ, Dũng và bố về nước. Thời phổ thông, Dũng học giỏi có tiếng nhưng hay “nhảy” trường (học trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, chán lại học trường khác, rồi lại quay về trường Amsterdam), được cử thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh, thi đường lên đỉnh Olympia.
Ðang học Ðại học Bách khoa, Dũng bỏ để theo đuổi tấm bằng cử nhân của Amherst College in Massachusetts (Mỹ) với học bổng toàn phần. Ra trường được làm việc cho những công ty hàng đầu thế giới, đi nhiều châu lục, tư vấn cho các CEO của nhiều nước trên thế giới. Sau đó, anh tiếp tục chương trình thạc sỹ (MBA) của Trường Kinh doanh Harvard. Sau một năm (vào năm 2014), anh lại dừng học về Việt Nam vào ghế CEO của Uber.
Con đường của “kẻ phá bĩnh” cũng lắm chông gai. Hồi học Ðại học Bách khoa, mở trung tâm gia sư cùng bạn lỗ mấy chục triệu. Ra đi làm (cho McKinsey & Company), tư vấn cho khách hàng là một ngân hàng lớn ở châu Á tưởng bị đuổi việc vì khi anh thuyết trình, phía dưới người thì ngáp, người thì ngồi bấm điện thoại…
Khi học ở Harvard, Dũng có lần chết hụt ở biển Châu Phi. “Ê mặt” nhất là khi anh ngạo mạn hỏi cô bạn gái con một tỷ phú cùng lớp: “Nhà giàu như vậy, còn đi học để làm gì?”. Cô bạn trả lời tự vay tiền học, không lấy tiền của bố. “Nếu giỏi hơn mình thì cần gì phải cho chúng tiền, còn nếu chúng kém hơn mình thì cho tiền chỉ làm hỏng chúng thôi” - cô này nói.
Việc điều hành cả một hệ thống lớn như Uber tại Việt Nam chỉ vỏn vẹn hơn 10 người.
Dám nghĩ, dám làm quan trọng hơn luận án tiến sĩ
CEO Uber cho rằng, người trẻ khởi nghiệp cần một số vốn nhất định để xây dựng nền tảng kinh doanh và nuôi doanh nghiệp trong thời kỳ chưa sinh lời. Ví dụ, mở quán cà phê nhỏ, 1-2 tháng đầu chưa có khách ổn định, cần chuẩn bị đủ dòng tiền để quán tồn tại.
Với những mô hình kinh doanh mới nên có sự chuẩn bị dài hơi về vốn, có thể trang trải từ 6-12 tháng trở lên, vì nguồn doanh thu chưa được kiểm định. Ngoài tiền đầu tư, phải lo cho cuộc sống của bản thân, vì thế, bạn trẻ hãy sẵn sàng cho một cuộc sống “tối giản”.
“Ðừng quá lo về vốn cho các giai đoạn sau. Bản chất của vốn là nước chảy chỗ trũng. Bạn chỉ tập trung làm ra sản phẩm dịch vụ thật tốt, được thị trường đón nhận và dòng vốn bổ sung sẽ tìm đến” - Việt Dũng nói.
“Về lâu dài, Uber góp phần hạn chế xe cá nhân và mục tiêu lớn nhất là dùng dữ liệu để kinh doanh như Google hay Facebook... Đó là yếu tố tôi yêu quý Uber, chứ không phải là tiền và cổ phiếu của Uber như ban đầu nhận việc”.
Ðặng Việt Dũng
“Kẻ phá bĩnh” nói: “Ðược đào tạo bài bản ở nước ngoài không phải là điều kiện cần để kinh doanh thành công. Ðiều kiện cần là chúng ta dám nghĩ, dám làm chứ không phải luận án tiến sĩ.
Ðiều kiện đủ là chúng ta luôn cầu thị, học hỏi, và lắng nghe thị trường”. Anh chia sẻ kinh nghiệm học tập: Tốt nhất là học từ việc hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày 15 phút; tìm đến, kết bạn và học hỏi từ những người đi trước; hàng tuần, đúc kết những gì học được và áp dụng vào công việc hàng ngày, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Việc chưa có nhiều người trẻ Việt Nam hợp tác, bắt tay nhau để cùng phát triển, theo Ðặng Việt Dũng có mấy nguyên nhân sau: Ðất nước còn nghèo, người dân vẫn còn phải bon chen để mưu cầu cuộc sống; nền giáo dục khuôn mẫu, quá tập trung vào điểm số và cạnh tranh đối đầu; các bạn trẻ thừa thời gian và thiếu hoạt động. Hai vấn đề đầu, dài hạn, cần thời gian.
“Vấn đề cuối có thể giải quyết ngay bằng hoạt động thể thao, hoạt động nhóm, đi làm thêm, tham gia các diễn đàn để học hỏi, tăng khả năng phản biện. Một lối sống năng động là nền tảng tốt cho tư duy tích cực và tấm lòng biết cảm thông”, Dũng nói.