Dùng KOL để xử lý khủng hoảng truyền thông là ‘con dao 2 lưỡi’

Tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội có thể giết chết doanh nghiệp trong tíc tắc
Tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội có thể giết chết doanh nghiệp trong tíc tắc
TPO - “Không ít doanh nghiệp (DN) khi bị khủng hoảng truyền thông, bị nói xấu trên mạng xã hội thay vì nhờ cơ quan chức năng, họ lại liên kết với KOL (người có ảnh hưởng) để bảo vệ mình. Điều này như “con dao hai lưỡi”, rất nguy hiểm cho DN” – ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn nhận.

Ngày 14/12, tại tọa đàm “Doanh nghiệp nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội”, đại diện ngành chức năng đã nêu ra nhiều “kẻ hở” khi DN bị nói xấu trên mạng xã hội. Theo ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Trung tâm báo chí TPHCM, lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ, bất động sản… thường gửi đơn phản ánh vì bị nói xấu nhiều nhất.

Ông Từ Lương cho biết, Thành phố hiện có 350.000 DN, chiếm 50% cả nước. TPHCM hiện có tới 14 triệu tài khoản mạng xã hội, xếp thứ 7 thế giới trong những thành phố đông người dùng mạng xã hội. Thế nên một thông tin liên quan đến DN được tung lên mạng sẽ có tốc độ lan truyền chóng mặt.

“Trên mạng xã hội, mọi người đều trở thành tổng biên tập, tổng giám đốc để phát tán thông tin. Khi khi nói xấu sai sự thật, chúng ta không nên im lặng thỏa hiệp, không “bắt tay” với những sai phạm liên quan đến mình mà phải gửi đơn đến cơ quan chức năng để nhờ can thiệp” – ông Từ Lương lưu ý.

Dùng KOL để xử lý khủng hoảng truyền thông là ‘con dao 2 lưỡi’ ảnh 1 Theo cơ quan chức năng, khi bị vu khống, doanh nghiệp thường nhờ KOL (người có ảnh hưởng) để xử lý khủng hoảng truyền thông.

Trong khi đó, ông Lê Quang Tự Do cho rằng, không ít DN khi bị nói xấu trên mạng đã tự bảo vệ mình bằng cách liên kết với KOL. “Dùng KOL để bào vệ mình là con dao hai lưỡi. Theo tôi, đây như cách sử dụng “âm binh” rất nguy hiểm vì khó quản lý họ. DN nên hợp tác với cơ quan chức năng, cơ quan báo chí uy tín khi xử lý khủng hoảng truyền thông – lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.

Theo luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, nói xấu, vu khống DN trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. DN có thể khởi kiện cá nhân hay tổ chức cố tình nói xấu lên tòa án, đề nghị bên nói xấu cải chính thông tin, xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có). “Để khởi kiện thành công, DN cần có bằng chứng để chứng minh thiệt hại do thông tin nói xấu, vu khống đó gây ra. Cụ thể, DN phải tập hợp đầy đủ chứng cứ chứng minh thông tin nói xấu làm cho các đối tác hủy bỏ hợp đồng, khách hàng từ chối mua hàng... hoặc bị loại trừ tham gia các gói đấu thầu dự án. Nếu việc nói xấu diễn ra nhiều lần, mức độ ngày càng lớn thì DN có thể yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra . Trường hợp thông tin đó gây thiệt hại nghiêm trọng cho DN, công an có thể khởi tố hình sự” - luật sư Phạm Ngọc Hưng gợi ý.

Dùng KOL để xử lý khủng hoảng truyền thông là ‘con dao 2 lưỡi’ ảnh 2 Doanh nghiệp không nên im lặng khi bị vu khống, mà cần hợp tác với cơ quan chức năng, báo chí uy tín để đòi lại danh dự cho mình

Tuy nhiên, khởi kiện thì dễ, còn việc thi hành án mới khó – luật sư Trương Thị Hòa nói. Lý do là kẻ tung tin đồn thất thiệt lên mạng thường không có nơi ở cố định, muốn phạt họ cũng không biết nơi đâu mà tìm. Do vậy chỉ còn cách là DN, cơ quan chức năng cần công khai thông tin cụ thể, đăng tải trên các phương tiện truyền thông cho nhiều người biết.

Một bất cập nữa khiến kẻ tung tin đồn giả vẫn nhở nhơ vi phạm là mức xử phạt rất thấp. Được biết, mức phạt hành chính tối đa với tổ chức là 30 triệu đồng, với cá nhân chỉ 15 triệu đồng.

Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết: “Chúng tôi đang đề xuất Chính phủ có hành lang pháp lý, sửa những văn bản pháp luật hiện hành cho phù hợp. Tương tự, việc xử phạt 30 triệu đồng cũng sẽ điều chỉnh trong thời gian tới”.

Hiện nay nhiều trang thông tin điện tử, trang web thông tin hoạt động đưa tin như những tờ báo chính thống. Họ lách rất khéo khiến độc giả không thể phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin đồn thất thiệt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ có những biện pháp mạnh hơn trong việc răn đe, xử phạt, sẽ không có chuyện cho phép” mắt nhắm mắt mở” cho những thông tin sai sự thật trên mạng hoạt động – ông Từ Lương nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.