Dừng dự án triệu đô đèo Hải Vân: Ai chịu trách nhiệm?

TP - Những tranh cãi xung quanh dự án KDL World Shine trên đèo Hải Vân cũng tạm thời chấm dứt khi BQL Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (TT- Huế) đạt thỏa thuận dừng dự án với chủ đầu tư. Vấn đề bây giờ, ai chịu trách nhiệm?

Dừng dự án triệu đô đèo Hải Vân: Ai chịu trách nhiệm? ảnh 1 Ở Cửa Khẻm, có thể nhìn bao quát cả vịnh Đà Nẵng
Vùng đất “yết hầu”, không tham vấn Quân khu 


Trong cuộc họp của Chủ tịch UBND tỉnh TT - Huế với các sở, ban ngành ngày 24/11 trước khi đồng ý chủ trương dừng dự án, đã có nhiều sự thật được sáng tỏ trong quy trình cấp phép một dự án trên vị trí chiến lược.

Dù đánh giá việc cấp chứng nhận đầu tư cho dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế World Shine - Huế tại khu vực Cửa Khẻm, thuộc địa bàn Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô là cơ bản phù hợp với trình tự, quy trình và quy hoạch phát triển Khu kinh tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng, Chủ tịch UBND tỉnh TT - Huế Nguyễn Văn Cao cũng thừa nhận quá trình thực hiện, công tác phối hợp, thẩm tra văn bản vẫn còn một số vấn đề chưa chặt chẽ.

“Với Cửa Khẻm, bất kỳ là nhà đầu tư nước ngoài nào cũng không được làm dự án ở đây chứ chưa nói là Trung Quốc. Vị trí đó bao quát vịnh Đà Nẵng, ai chiếm được Hải Vân là chia cắt được đất nước. Mà khi Hải Vân bị chiếm, Đà Nẵng là địa phương mất đầu tiên” . 

Đại tá Thái Thanh Hùng

Cụ thể, theo ông Cao, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chưa chủ động đề xuất xin ý kiến của Bộ Tư lệnh Quân khu IV về vấn đề an ninh quốc phòng đối với khu vực nghiên cứu dự án; không kịp thời xin ý kiến của Bộ Tư lệnh Quân khu IV, Bộ Quốc phòng khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh (theo nội dung cuộc họp ngày 19/9/2014 thể hiện tại Thông báo số 271/TB-UBND ngày 1/10/2014 của UBND tỉnh). Ngoài ra, cơ quan cấp phép là BQL Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô phối hợp chưa thường xuyên với các cơ quan quản lý chuyên ngành, Giấy chứng nhận đầu tư có một số nội dung chưa chặt chẽ. 

Tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Văn Cao đã yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan kiểm tra lại toàn bộ quy trình, trình tự thủ tục triển khai dự án, rà soát kỹ những vướng mắc, sai sót trong quá trình phối hợp thẩm định dự án đầu tư, nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, đơn vị mình trong việc tham mưu, đề xuất về dự án.

Tiến tới rút giấy phép

Trao đổi với Tiền Phong, đại tá Thái Thanh Hùng - Chủ tịch Hội CCB Đà Nẵng cho hay, ông hoan nghênh thông tin lãnh đạo tỉnh TT - Huế quyết định ngừng dự án. Tuy nhiên, Đại tá Hùng cho rằng, ở đây mới chỉ là thỏa thuận đôi bên giữa nhà đầu tư và đơn vị cấp phép là BQL Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. “Tôi không muốn nói thêm nhiều bởi vấn đề là không khơi lại tranh chấp giữa Huế và Đà Nẵng. Nhưng đây là vùng đất hiểm yếu, ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc phòng nên nhất thiết, dự án này phải chấm dứt vĩnh viễn chứ không phải tạm dừng như hiện nay. Nghĩa là các bên liên quan phải cùng nghiên cứu, báo cáo Bộ Quốc phòng và đề nghị Thủ tướng sớm có kết luận rút giấy phép dự án”- ông Hùng nói.

Luật sư Đỗ Pháp (VP LS Đỗ Pháp - Đà Nẵng) cho rằng, bây giờ đang là thời gian thỏa thuận giữa đôi bên nên vẫn chưa thể kết luận được điều gì. Phải chờ đến lúc có lệnh thu hồi dự án, chính thức rút giấy phép, lúc đó, trách nhiệm của ai, đền bù thế nào mới được ngã ngũ. “Các bên ngồi lại với nhau, thống nhất quy trình, sự tồn tại của dự án. Cùng thảo luận về thiệt hại, về mức bồi thường… để có cơ sở giải quyết. Nếu sau khi không tìm được tiếng nói chung, ai không hài lòng thì có thể kiện ra tòa. Ngay sau khi có lệnh rút giấy phép, điều đầu tiên của chủ đầu tư là phải chấp hành nghĩa vụ này. Nhưng đồng thời, họ cũng có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện” - LS Đỗ Pháp nói.

Về trách nhiệm pháp lý, theo LS Đỗ Pháp, dù muốn hay không thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. “Dự án nằm ở vị trí chiến lược, an nguy đến quốc phòng mà cấp phép không lường hết, không nghiên cứu kỹ. Đây là bài học kinh nghiệm đắt giá” – LS Đỗ Pháp nói. 

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.