Đức Gyalwang Drukpa:

“Đừng để tư tưởng tiêu cực chi phối đời sống”

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nằm trong chuỗi tọa đàm Sống hạnh phúc, buổi nói chuyện sáng 10/2 của Đức Gyalwang Drukpa tại Đại Bảo tháp Tây Thiên (Vĩnh Phúc) mang chủ đề Giải pháp chữa lành khổ đau nơi thân tâm. Trong hơn hai tiếng, Ngài chia sẻ những phương pháp giản dị, gần gũi mà ai cũng có thể thực hành để làm cho đời sống của mình chuyển biến theo hướng tích cực. Dưới đây Tiền Phong lược trích một số nội dung trong bài giảng của Ngài.

Đôi khi chúng ta cho rằng hạnh phúc đến từ việc ngắm hoa nở, nghe chim hót, từ đồ ăn thức uống hay việc ở bên người thân, bạn bè. Thực ra hạnh phúc đến từ chính trong tâm chúng ta. Bằng chứng là khi chúng ta hạnh phúc, bình an chúng ta mới cảm nhận được chứ không phải ai khác. Hiểu rõ rằng hạnh phúc đến từ bên trong, bạn sẽ là người đem lại hạnh phúc và chữa lành cho chính mình.

Có bạn tốt, sống trong môi trường tốt… chưa chắc hạnh phúc. Các yếu tố bên ngoài như phong thủy, ngũ hành… có thể đem lại sự ít nhiều thay đổi trong đời sống nếu chúng ta tin vào chúng. Cũng như vậy chúng ta có thể được chữa lành tạm thời khi sử dụng thuốc, thiền định hay yoga. Còn trên khía cạnh tuyệt đối, tâm chúng ta chính là phương thuốc hoàn hảo, thiền định hoàn hảo, yoga hoàn hảo hay nói cách khác chính là cội nguồn đem lại bình an, hạnh phúc. Chúng ta cần có cái nhìn trọn vẹn, không nên chấp thủ vào một khía cạnh. Hiểu như vậy, ta sẽ biết cách chữa lành cho bản thân. Và biết định hướng cho ta lúc nào cần sử dụng phương pháp tương đối, lúc nào cần hiểu rằng mọi thứ bắt nguồn từ tâm.

Tâm đem lại bình an hạnh phúc bất tận cho chúng ta. Vì tâm quan trọng như vậy, ta cần học cách hướng đạo, điều chỉnh tâm. Phương pháp thiền chính niệm được phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới cũng đem lại bình an hạnh phúc nhưng chỉ tạm thời. Do chúng ta còn hy vọng điều tốt đẹp và sợ hãi những điều bất thường, bất ổn nên tâm chúng ta trong thực tế thường xuyên bị tán loạn, căng thẳng.

Người thông minh sẽ biết cách bỏ lại những phiền muộn, lo âu, sẽ biết cách trưởng dưỡng phần tích cực trong tâm mình. Nếu cứ ôm ấp mãi những trải nghiệm tiêu cực, sẽ không dứt được khổ đau, dù chúng ta có theo một tôn giáo nào hay không vẫn cần sáng suốt lựa chọn.

Dịch bệnh có thể đã qua nhưng lo lắng về nó trong tâm chúng ta còn đó. Chúng ta có xu hướng nhân lên những lo lắng thậm chí ngụy tạo chúng. Vì vậy chúng ta cần sáng suốt lựa chọn phần nào trong tâm nên được xóa bỏ, phần nào cần được trưởng dưỡng. Như cái máy tính, khi đầy sẽ bị “treo”, tâm chúng ta cũng cần được dọn dẹp thường xuyên.

Ngay các bác sĩ tâm lý cũng thường khuyên chúng ta cười nhiều hơn. Khi bước ra vườn, chúng ta cười. Gặp mọi người, chúng ta cười. Khi ở một mình ta cũng tự cười. Không chỉ cười bên ngoài mà khi tâm được bình an, ta sẽ thực sự có nụ cười từ bên trong. Đây là phương thuốc không tốn kém nhưng lại hữu hiệu làm cho mình khỏe hơn, hạnh phúc hơn. Trong khi sân hận chỉ làm cho bạn thêm ốm yếu, vậy nên cần phải buông bỏ nó.

Đó là cách chúng ta nói về chuyển hóa tâm, thoát khỏi sự hãi, lo lắng thông qua thiền định và tư duy đúng đắn để tự chuyển hóa tâm mình. Có những cuộc cãi vã từ lâu nhưng ta vẫn giữ mãi trong tâm sự bực tức, nhiều năm sau vẫn tái hiện nó, đưa nó vào hiện tại. Đây là cách tự gây đau khổ cho mình. Đây chính là tâm vô minh cần loại bỏ. Và khi đó ta là người chiến thắng trong việc tự giành lấy cuộc sống tốt đẹp cho mình thay vì ôm ấp mãi cục tức gây tổn hại cho bản thân.

Chúng ta không cần theo tôn giáo nhưng chúng ta cần thiền định, cần tư duy đúng đắn để hiểu tâm mình, biết cách nâng đỡ tâm mình, làm sao cho tâm mình mạnh khỏe, từ đó có đời sống mạnh khỏe. Tôi không khuyên các bạn đừng uống thuốc hay ngừng gặp bác sĩ. Tôi vẫn đi khám sức khỏe định kỳ. Nhưng trên tất cả, cần biết tâm ta mới là đem lại phương pháp chữa lành hữu hiệu nhất, đi bệnh viện hay tập yoga, theo phong thủy chỉ có hiệu quả tạm thời ở một giai đoạn nào đó.

Chúng ta đều là người thường, không phải Phật, Chúa hay thánh tất nhiên ta có thể sẽ mắc lỗi, tạo ra sai lầm mỗi ngày. Tôi không nói chúng ta đừng lầm lỗi vì điều này là không thể tránh khỏi. Nhưng khi phạm sai lầm, chúng ta phải biết cách rút kinh nghiệm và bỏ qua, coi nó như đám mây, tự tan đi. Còn tệ hơn cả làm điều xấu là khi bạn tự cho mình là xấu xa. Sửa mình là việc hằng ngày, bạn có thể sai lầm và chỉ cần cố gắng không lặp lại nó chứ không cần phải hạ thấp mình, tự khiến mình cảm thấy tồi tệ hơn.

Các tôn giáo khác nói nhiều về tội lỗi. Đức Phật dạy chúng ta sám hối rồi bỏ qua, chứ không ôm ấp chúng trong lòng. Cảm giác tội lỗi đem lại nhiều căng thẳng mệt mỏi. Tự cho bản thân là xấu xa, nhơ nhuốc chỉ gây căng thẳng, trầm cảm, bất an. Chúng ta phải học cách bỏ qua lỗi lầm của chính mình, để tâm trở lại thanh tịnh, trong suốt như pha lê. Về bản chất, chúng ta đều hoàn hảo nhưng do tâm diễn biến theo hướng tiêu cực hay tích cực khiến chúng ta có những trải nghiệm tương ứng.

Đừng để những tư tưởng tiêu cực, sân giận, buồn tủi, chán nản chi phối tâm mình. Thông qua thiền định và chính tư duy, chúng ta sẽ đến với bến bờ bình an ngay trong tâm mình.

MỚI - NÓNG
Vua Charles và Hoàng tử William tại lễ chuyển giao. (Ảnh: Reuters)
Vua Charles phong hàm cho Hoàng tử William
TPO - Vua Charles của Anh vừa chuyển giao vị trí cấp cao trong quân đội cho con trai ông là Hoàng tử William tại buổi lễ diễn ra ngày 13/5. Đây là lần xuất hiện hiếm hoi của hai người từ khi Vua Charles trở lại thực hiện nghĩa vụ sau thời gian điều trị bệnh ung thư.