Đứng dậy, chị ơi…

TP - “Con gái tôi 16 tuổi, hy sinh vì em trai của nó. Tôi đau lắm nhưng không thể cho mình một chút yếu đuối, sợ sệt nào khi nghĩ tới cảnh con gái bé bỏng xả thân ra giữa dòng lũ dữ để đem đứa em tới nơi an toàn. Tôi phải đứng dậy để không hổ thẹn với con…”, chị Huỳnh Thụy Lan Hương (tổ 36, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) như tự nhủ lòng mình.

Mưa lũ đã qua mấy ngày, nước đã rút và trời nắng lên. Những xóm nhỏ, căn nhà bị trận mưa nhấn chìm trong đêm nọ vẫn lấm lem bùn đất. Người mất xe, người mất nhà, có người mất cả chồng lẫn con. Nhưng họ đành nuốt nước mắt vào trong để đứng dậy từ đống đổ nát, thương đau làm lại từ đầu.

Lau nước mắt, dựng lại nhà

Quận Liên Chiểu bị “đánh úp” trong đêm. Người dân nói gọn lỏn vậy khi nhắc tới trận ngập kinh hoàng đêm 14/10 và những gì lũ đã tàn nhẫn mang đi không bao giờ trả lại. Qua đường Mẹ Suốt, Đà Sơn, Hoàng Văn Thái…, nhìn dấu nước ngập hằn trên bức tường nhà cũng đủ hình dung ra họ đã vẫy vùng chống chọi đến mức nào.

Đứng dậy, chị ơi… ảnh 1

Quán ăn và nhà ở bị lũ xoá sổ, chị Đặng Thị Thịnh chấp nhận làm lại từ đầu dù biết khó khăn trăm bề. Ảnh: Thanh Trần

Trong căn nhà tan hoang như vừa bị pháo kích, bùn đất ùn cao cả mét, chị Nguyễn Thị Phương (tổ 113, phường Hoà Minh) còng lưng xúc từng xẻng hất ra khỏi nền. Dưới ấy là tất cả tài sản của chị: tủ lạnh, máy giặt, bếp ga, bàn ghế… Chị Phương nhớ lại hôm nước về, nhà chị cao nhất xóm vì ở đầu dốc nên tạm an tâm, nghĩ ngập thì chạy ra đường lớn. Lúc nước bò vào tới mắt cá chân, chị đang mải kê đồ đạc, bỗng nhiên nghe một tiếng ầm, nước như vỡ bờ lao thẳng vào đánh sụp cả mảng tường bên hông, nhấn chìm tất cả. Chị chỉ kịp kéo hai đứa con chạy ngược vào xóm, không dám ra đường lớn vì nước quá hung tợn. “Tui đi hỏi thợ thầy khắp mấy hôm nay, họ tính làm lại cái nhà “cứng cứng” trụ được qua lũ bão thì khoảng 150 triệu, còn vá víu hên xui thì mấy chục. Nghe rứa thiệt tình rùng mình, nhưng nghĩ đi nghĩ lại kêu khóc cũng chẳng được chi, mấy tui cũng phải vay mượn để dựng lại cái nhà cho chắc chắn, để còn an tâm sống mà làm việc, con cái có chỗ học hành”, chị quyết tâm. Ngày thường, chị Phương đi làm ở tiệm tóc, mấy hôm nay nhà cửa tơi bời phải nghỉ, con cũng đem đi gửi chỗ khác. Chị tính mấy hôm nữa dọn dẹp ổn ổn sẽ đi làm lại, nếu có việc làm thêm cũng sẽ gắng cày để có tiền mua thêm tấm tôn, viên gạch.

Chị em phụ nữ những ngày này cũng có mặt ở nhà chị Trần Thị Kim Trang (tổ 45, phường Hòa Khánh Nam), người mất cả chồng lẫn con trong lũ. Chồng chị là trụ cột của gia đình. Sáng 19/10, hai cha con về với đất, căn nhà vẫn đông kín người tới an ủi, hỗ trợ. Chị Trang nghèn nghẹn: “Mấy ngày qua mọi người đã sẻ chia với gia đình rất nhiều. Tôi không biết nói gì ngoài cám ơn, và gắng vượt qua nỗi đau này để lo cho đứa con còn lại”.

Cách nhà chị mấy bước chân, căn nhà của chị Lê Thị Tính bị nước đánh sụp nền, hoắm thành hố to sâu mấy người lên xuống cũng lọt. Chồng chị làm mộc, chị thợ may, thu nhập ít ỏi, nhìn căn nhà thôi là chị không nuốt nổi cơm. Nhưng hai vợ chồng quệt nước mắt trấn an nhau, mưa lũ chẳng chừa ai cả, còn người là còn của, dẫu biết vất vả trăm bề.

Đứng dậy, chị ơi… ảnh 2

Chị Nguyễn Thị Phương (tổ 113, phường Hoà Minh) dọn dẹp đống bùn đất, đổ nát để sửa lại nhà cửa sau khi bị nước đánh sụp

Những ngày này, bà con nơi xóm nhỏ của chị xắn quần trên gối, nhà nhà xúc đất, xối rửa, dọn dẹp tàn dư của lũ. Thấy đống bàn, ghế, giường, tủ, máy móc…rệu rạo hai bên vệ đường, biết họ đau lòng lắm. Một đống tiền nát bươm sau đêm kinh hoàng. Nhưng biết có nhiều nhà còn xót xa hơn mình, họ không bi luỵ. Chị Đặng Thị Thịnh khuân từng viên gạch táp lô quăng xuống nền quán đã bị nước san phẳng, sát bên là ngôi nhà 5 người trú ngụ cũng bị xoá sổ. Chị chậm rãi: “Cả nhà còn được nhìn thấy nhau là may mắn lắm rồi. Đêm ấy suýt mất con gái. Nước ập tới đẩy con vô sâu trong nhà rồi kéo tuột ra đường, may mà cứu kịp, chứ không… Sáng nay tui mới gọi xe chở gạch, vật liệu tới sửa nhà...".

Không dám gục ngã vì con

Cùng tôi tới những nơi tang thương trên địa bàn, chị Nguyễn Thị Tâm (Hội Liên hiệp phụ nữ quận Liên Chiểu) bảo từ hôm nước rút, Hội đã toả đi khắp nơi để giúp đỡ bà con dọn dẹp, an ủi, động viên các gia đình. Và không quên kêu gọi mạnh thường quân khắp nơi chung tay sẻ chia với họ. Chị trầm ngâm, chưa có mùa 20/10 nào đau đớn như năm nay cả, xót xa nhất là những chị em quấn vành khăn trắng trên đầu.

Con hẻm còn ngập bùn đất, nhà chị Huỳnh Thụy Lan Hương nằm tít sâu. Người phụ nữ chưa đầy 40 tuổi, 4 đứa con vừa mất đi cô con gái đầu lòng. Đêm định mệnh, con gái gọi báo nước ngập nhà, chị vẫn bình tĩnh dặn con đưa các em lên gác. Nhìn con quay video nước ngày càng hung hãn, chị kêu các con đi ra khách sạn trú tạm, mai mẹ về sẽ đón. Lúc ấy chị đang trên xe khách từ Quảng Bình vào Đà Nẵng, mới tới Quảng Trị. Thế rồi gọi mãi cho con không được, chị linh tính chẳng lành. Mãi một lúc sau, vào mạng chị thấy hình con trai được cứu, mà chẳng thấy con gái đâu. Nhắn tin hỏi khắp nơi, chị được báo tin con gái đã mất. “Tôi thấy hình họ sơ cứu con, nhìn bàn chân con tôi nhận ra liền, thân thể con tôi nuôi từng ấy năm trời sao tôi không biết được chứ. Nhưng tôi không chấp nhận được nên tự mắng bản thân nhìn nhầm.

Đứng dậy, chị ơi… ảnh 3

Những ngày qua, nhà chị Trần Thị Kim Trang (tổ 45, phường Hoà Khánh Nam), người mất cả chồng lẫn con trong lũ được các đoàn thể, mạnh thường quân liên tục đến thăm. Ảnh: Thanh Trần

Tôi cố hy vọng. Đến khoảng 2h sáng mấy đứa con tôi gọi, mới kêu “mẹ ơi…” thì tôi không cho nói, tôi hỏi “chị hai lúc tối mang áo màu gì? Tụi nó nói màu xanh. Vậy là đúng với những gì tôi nhìn thấy, con tôi mất thật rồi…”, chị đớn đau. Khi nước ập tới, hai bé giữa bị cuốn vào mái tôn nhà hàng xóm nên được cứu, còn chị đầu đã bỏ đứa em út 5 tuổi lên tấm ván, cố đem em tới nơi cao. Đẩy đi một đoạn, chị không trụ nổi, bị nước cuốn phăng. Em trai út vẫn an toàn trên tấm ván. “Bà con hàng xóm chứng kiến kể với tôi là do cháu kiệt sức vì cố giữ em trên ván. Trời ơi !16 tuổi, xả thân vì em. Tôi không dám yếu đuối một phút khi nghĩ tới cảnh con mình đã hy sinh vì em như thế nào”, chị day dứt.

Chị dự tính, sẽ không theo chồng đi làm xa nữa mà sẽ ở Đà Nẵng, tìm một công việc gì đấy có thể chăm sóc ba chị em còn lại. Chị Tâm biết chị Hương thạo nghề may, cũng giỏi việc nấu nướng, có nguyện vọng vào làm bếp núc dọn dẹp trong trường học nên hứa sẽ bàn bạc với Hội để tính giúp chị một con đường. “Thiên tai không chừa ai cả, mất mát với chị không gì bù đắp nổi. Chị ơi, gắng đứng dậy, vì ba chị em còn lại cũng rất cần bờ vai của mẹ”, chị Tâm nắm chặt lấy tay chị Hương.

Tin liên quan