Dùng dằng đại hội Hội LHVHNT Hà Nội: Lại chuyện trẻ hóa?

Trụ sở Hội LHVHNT Hà Nội.
Trụ sở Hội LHVHNT Hà Nội.
TP - Đại hội Hội LHVHNT Hà Nội dùng dằng mãi vẫn chưa diễn ra, cho dù đã trễ mất 2 năm. Khi được hỏi, một vị lãnh đạo của Hội cũng  lắc đầu không biết chính xác khi nào đại hội mới được tiến hành. Nhiều hội viên bi quan: Cứ tình hình này, khéo sang năm 2018 vẫn chưa xong. Họ cho rằng, cố gắng kéo dài thời gian đại hội là hình thức “câu giờ” của vị lãnh đạo cao nhất của Hội.

Anh ấy cũng mệt rồi…  

Trước đây, người ta hay đổ lỗi chậm đại hội Liên hiệp do đại hội Hội Nhà văn Hà Nội (NVHN)chậm trễ. Bây giờ ông Phạm Xuân Nguyên, nguyên chủ tịch Hội NVHN, cũng đã nghỉ, đại hội Hội NVHN đã kết thúc tốt đẹp 3 tháng nay (9/8/2017) nhưng đại hội Liên hiệp vẫn chưa thể tiến hành. Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, ủy viên BCH Hội LHVHNT Hà Nội phản ứng “Đáng ra, trong khoảng thời gian chờ Hội NVHN tiến hành đại hội, Hội Liên hiệp cũng phải chuẩn bị từng bước, từ đó đến giờ cứ im ỉm, mãi đến mồng 5 tháng 12 vừa qua mới có cuộc họp ban chấp hành về nhân sự đại hội. Mà nhân sự đã đưa đi đẩy lại mấy lần rồi. Tôi có nghe một vị phó chủ tịch Hội nói là nhân sự trình lên  thành phố bị trả lại vì làm không đúng qui trình”.

Họa sỹ Kim Bình, Phó Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội cũng xác nhận: Đại hội chậm gần 2 năm. Bà cũng nghĩ: “Sau đại hội nhà văn phải triển khai ngay công tác đại hội nhưng anh Bằng Việt (Chủ tịch Hội LH- PV) cứ chậm. Vướng mắc ở chỗ anh Bằng Việt quá nhiều tuổi rồi, họp nhân sự mãi có xong đâu”. Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Nhiều tuổi thì nghỉ chứ?”, bà Phó Chủ tịch cười: “Thì đấy, vướng mắc ở chỗ đó”.

Về câu chuyện tuổi tác, nhà thơ Bùi Việt Mỹ hé lộ: BCH đa phần là các vị ngoài 70 tuổi. “Có tới 14, 15 vị trên dưới 70 tuổi trên tổng số 25 UV BCH. Trước là 27 vị nhưng 2 vị mất vì lí do tuổi cao. Trẻ nhất là NSND Trung Hiếu và  nhà thơ Bế Kim Loan. Cỡ tuổi tôi (Bùi Việt Mỹ sinh năm 1955-PV) có vài người”. Vị UV BCH Hội LHVHNT Hà Nội xác nhận: “Nhà thơ Bằng Việt không có nhã ý rút lui (nhà thơ Bằng Việt sinh năm 1941, 76 tuổi- PV) dù anh ấy làm Chủ tịch cũng 3, 4 khóa rồi, từ khi nghỉ hưu đến nay đã gần 80 tuổi. Anh ấy cũng mệt rồi mà tổ chức cũng cần người năng động hơn”. Họa sỹ Kim Bình cho biết: Hội LHVHNT Hà Nội có 9 hội “con” thì đến 5 hội có lãnh đạo trên 70 tuổi. “Đại hội trì trệ các hoạt động khác của hội trì trệ một phần cũng vì các vị tuổi quá cao”, Bùi Việt Mỹ bình.

Đại hội Liên hiệp càng chậm diễn ra bao nhiêu thì nhiệm kỳ của các vị UV BCH càng ngắn lại bấy nhiêu. “Vì các hội con đã đại hội cách đây 2 năm rồi, những vị lãnh đạo hội con có chân trong BCH Hội Liên hiệp khóa mới sẽ chỉ còn nhiệm kỳ 3 năm”, ông Bùi Việt Mỹ giải thích. Nhưng biết đến bao giờ đại hội LH mới tiến hành?  TS. Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội trao đổi: “Tôi chỉ có thể nói rằng, Hội LHVHNT Hà Nội đang xúc tiến để tiến hành đại hội. Muốn tiến hành đại hội phải qua những bước qui định văn bản và các thủ tục khác. Hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện văn bản”. Khi phóng viên hỏi, chính xác bao giờ đại hội LH diễn ra? Bà Đỗ Thị Hảo cười: “Bạn hỏi tôi bao giờ thì tôi cũng chịu. Làm sao nói được bao giờ. Tôi chỉ biết một điều, với vai trò Phó chủ tịch tôi đang cố gắng để hoàn thiện xong thủ tục. Cố gắng hết sức mình nhưng bao giờ thì tôi không dám nói. Bạn hiểu không? Nó là câu chuyện của tập thể và lãnh đạo. Chỉ biết cố gắng thôi, chứ nói cụ thể ngày nào tôi nghĩ chả ai dám nói đâu”. Thường trực BCH Hội LHVHNT Hà Nội hiện có 3 người, gồm chủ tịch và hai phó chủ tịch, đã bấy lâu có đồn đại: Nhiều sự việc của Hội hai phó chủ tịch không hay biết. Về điều này, TS Đỗ Thị Hảo lấp lửng: “Tôi chỉ là một trong số nhiều các bác ấy (những UVBCH khác- PV). Có thể cái này tôi biết, cái khác người ta không biết thì tôi cũng chịu. Hoặc là cái khác người ta biết, tôi không biết”.

Dùng dằng đại hội Hội LHVHNT Hà Nội: Lại chuyện trẻ hóa? ảnh 1 Nhà thơ Bùi Việt Mỹ: “Có tới 14, 15 vị trên dưới 70 tuổi trong BCH Hội LHVHNT Hà Nội”.

Tùy tiện, sai quy trình?

Theo nhà thơ Bùi Việt Mỹ, để tiến hành đại hội, đầu tiên phải đánh giá xem nhiệm kỳ vừa qua những gì đã làm được, chưa làm được, vướng mắc điều gì, rồi mới giới thiệu nhân sự: “Đằng này chưa thảo luận báo cáo tổng kết đã đưa ra nhân sự”.

Trách nhiệm chậm đại hội thuộc về ai? Một vị trong ban kiểm tra của Hội cho biết: “Trước hết BCH đứng đầu là ông Chủ tịch phải chịu trách nhiệm về chuyện này. Cách làm của các anh không được. Ngay từ đầu nếu Hội NV chậm, với quyền hạn của mình, Chủ tịch có thể nhắc: Một tháng hoặc hai tháng nữa phải tiến hành đại hội, còn không chúng tôi cứ tiến hành đại hội Liên hiệp, còn các anh, chúng tôi phê bình. Khi các anh đại hội xong, chúng tôi sẽ bổ sung người vào BCH. Một Hội Liên hiệp mà cứ chờ đợi mỗi  hội “con” như vậy, tôi thấy ông Chủ tịch sai”. Vị này không đồng tình với việc đổ lỗi chậm đại hội Liên hiệp sang ông Phạm Xuân Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội NVHN: “Nếu ông Nguyên không đại hội được thì phê bình ông Nguyên, có thể khai trừ ông và đề nghị người khác thay ông Nguyên tiến hành đại hội NVHN.  Nhưng ngay từ đầu, ông chủ tịch Hội Liên hiệp đã không làm thế. Cứ đợi”.

Phóng viên đặt câu hỏi: “Có nghi vấn, ông Chủ tịch không chịu đại hội nhằm cố tình “câu thời gian” giữ ghế?”. Vị cán bộ kiểm tra Hội đáp: “Tôi không khẳng định điều đó nhưng có nghe phản ánh của anh em. Sau khi vụ ông Nguyên xong rồi thì tôi cứ nghĩ một đến hai tuần nữa có thể đại hội. Thế mà cách đây vài ngày tôi mới được mời đến cuộc kiểm tra phiếu tín nhiệm”. Thực chất cuộc kiểm tra phiếu tín nhiệm này theo vị kiểm tra Hội, chẳng qua là “muốn có một danh sách để đưa ra BCH, để BCH giới thiệu với đại hội”. Vị này bức xúc về chuyện giới thiệu nhân sự cho đại hội LH sai nguyên tắc: “Phải họp BCH lại, xem trong hai mươi mấy đồng chí ấy, đồng chí nào xin thôi khóa này, đồng chí nào muốn rút. Rồi xem có đồng ý giới thiệu tiếp những đồng chí còn lại không? Cộng với đó là danh sách từ các hội đơn vị đưa lên, tất cả để ra đại hội bầu. Chứ làm sao BCH phải mở cuộc bầu rồi kiểm phiếu nọ kia, không đúng qui trình”.  Ông nói tiếp: “Họ đề nghị các hội đề đạt nhân sự, thí dụ Hội NV mấy người, hội nọ, hội kia mấy người nhưng họ lại không đưa vào danh sách. Họ chọn trong BCH của họ và mấy người khác, tôi thấy cách làm việc ấy không được. Ông bảo các đơn vị đưa lên thì ông phải dùng chứ ?”.

Phóng viên hỏi tiếp: “Có phản ánh vấn đề nhân sự nhì nhằng là do anh Bằng Việt đã quá tuổi, không chịu rút mà đưa lên trên lại không được chấp nhận?”. Vị thanh tra Hội giải thích: “Chuyện ông Bằng Việt tôi chủ trương cho xong, cho đại hội được tiến hành nhanh, tôi đề nghị để ông Bằng Việt vì làm lại người khác lại phải bao nhiêu thủ tục, mất tháng trời. Đưa ông Bằng Việt vào thì làm sao ông ấy trúng được? Ngay BCH Hội NVHN ông ấy còn không trúng thì sao trúng vào BCH Hội LH được?  Người ta sẽ không bầu cho ông ấy”.

Dùng dằng đại hội Hội LHVHNT Hà Nội: Lại chuyện trẻ hóa? ảnh 2 NSND Trung Hiếu một trong hai gương mặt trẻ nhất BCH Hội LHVHNT Hà Nội.

Nhiều cái sai lắm

Không chỉ vấn đề nhân sự dùng dằng, ngay văn kiện đại hội cũng loay hoay mãi. Cũng không chỉ có vấn đề chậm đại hội, Hội LHVHNT Hà Nội còn tồn đọng nhiều vấn đề gây tranh cãi: “Đại hội lần trước năm 2000 diễn ra đúng kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, khí thế rất lớn, thành công nhất của đại hội là đưa ra nghị quyết nói về chuyển đổi mô hình hoạt động Hội từ Hội Liên hiệp sang Liên hiệp Hội, tạo điều kiện cho các hội chuyên ngành hoạt động độc lập, thích ứng cơ chế mới, xã hội hóa hơn. Nhưng rồi chẳng đâu ra đâu. Tôi từng phát biểu: Các anh chuyển sang Liên hiệp Hội các anh phải thay đổi điều lệ chứ, phải cho từng hội con có con dấu và tài khoản riêng. Đưa ra bàn thảo mà cuối cùng vẫn hạch toán chung, anh có thể sửa điều này, điều kia những mấu chốt thì không sửa. Nhưng theo chuyển đổi sẽ được nhận thêm biên chế cán bộ, nên khi thành phố mới chỉ thống nhất cho xây dựng đề án chuyển đổi thì Hội đã nhanh chóng nhận thêm vài người vào, rất bất hợp lí, rất trì trệ, chẳng ai biết người mới vào học gì, chuyên môn gì”, ông Bùi Việt Mỹ nói.

Một chuyện khác cũng khiến hội viên bức xúc, chục năm nay Hội LHVHNT Hà Nội không có chánh văn phòng. Vị thanh tra Hội xác nhận: “Đúng rồi, chuyện đó là lỗi của ông chủ tịch. Tại sao lại để một cô vừa làm kế toán vừa phụ trách văn phòng, thế là sai hoàn toàn về nguyên tắc”. Vị này đề nghị phóng viên: “Cô phải đến gặp trực tiếp những nhân viên ở đây mới thấy nhiều cái sai lắm”.

MỚI - NÓNG