Nhân sự, nóng từ đầu đến cuối ở Đại hội Nhà văn Hà Nội

TP - Nhiều người than vừa vào đại hội đã ập ngay vào bầu cử. Phiên họp Đại hội Hội nhà văn Hà Nội lần thứ 12 ngày 8/8, nóng từ đầu đến cuối về nhân sự, cho tới gần 7h tối mới có kết quả.

Bản danh sách gây tranh cãi

Trước giờ khai mạc, Đoàn chủ tịch vừa công bố danh sách 17 người đủ điều kiện bỏ phiếu Ban chấp hành (BCH) Hội Nhà văn Hà Nội khóa mới, nhà văn Y Ban phản ứng tức thì khi nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội) vẫn có tên trong danh sách. Bởi tại hai đại hội chuyên ngành 29, 30/10/2016, Nguyễn Sĩ Đại xin rút khỏi đề cử BCH khóa XII nhiệm kỳ 2015-2020 và được chấp thuận.

“Vậy hãy giải thích cho chúng tôi biết động cơ nào để anh Nguyễn Sĩ Đại và BCH đưa danh sách đó lên trình cấp trên. Bởi vì quyền biểu quyết tối cao thuộc về đại hội”, Y Ban nói. Sở dĩ nhà văn này và một số hội viên phản ứng bởi danh sách do đại hội cơ sở đưa lên không có tên Sĩ Đại và một số người khác, nhưng tên họ lại xuất hiện trong 17 người được BCH trình lên cấp trên. “Nếu Đoàn chủ tịch không đưa ra được hai bản danh sách đó thì tôi yêu cầu dừng đại hội tại đây để làm rõ vấn đề. Chúng tôi không thể chấp nhận một BCH được bầu trên cơ sở dối trên lừa dưới, kéo bè kéo cánh để tạo lợi ích nhóm”, Y Ban nói.

Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đỡ lời rằng sau khi Sĩ Đại rút, BCH họp và thuyết phục anh ngồi lại “vì lợi ích của hội chứ không phải do anh Đại thiếu nhân cách như nhà văn Y Ban nói”. Nguyễn Sĩ Đại cũng trần tình rằng được tín nhiệm thì ông chấp hành. Nhà thơ Giáng Vân không phục cách giải thích này, cho rằng nói như thế hoá ra đại hội không có giá trị gì, chỉ mấy ông trong chấp hành bầu cho nhau? Nhà văn Vũ Ngọc Tiến đặt câu hỏi tại sao gạt tên Nguyễn Thị Thu Huệ dù đại hội cơ sở nhiệt thành đề cử.

Một trong những điều bị cho là nhập nhèm trong cách điều hành đại hội là ém đi bản danh sách 33 người của đại hội cơ sở, chỉ chiếu lên màn hình danh sách 17 người do BCH đề cử. Phát biểu bên lề, nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét đó là cách làm “hơi vụng, bởi dù anh không có ý đồ gì nhưng dễ khiến người ta thấy anh đang dùng kỹ xảo”. Một nữ nhà văn cũng bình luận bên lề đại hội rằng đó là cách làm đầy tiểu xảo.

Nhân sự, nóng từ đầu đến cuối ở Đại hội Nhà văn Hà Nội ảnh 1
Nhân sự, nóng từ đầu đến cuối ở Đại hội Nhà văn Hà Nội ảnh 2 Sau những giờ phút sôi sục, cuộc bỏ phiếu và kiểm phiếu tại Đại hội Nhà văn khá bình yên. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Sôi sục đòi trẻ hóa

Bằng Việt trong phần trần tình đầu giờ, nói làm lãnh đạo Hội Nhà văn Hà Nội chẳng khác ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, rằng tuổi cao cũng không muốn ở lại. Sau này trong khi chốt danh sách bỏ phiếu gồm 22 người vẫn có tên Bằng Việt, ông lại nói nếu mình có tên trong BCH “chỉ để xin tiền cho hội”. Phía hội trường tầng 2 rộ lên phản đối. Sức nóng nhân sự vắt từ sáng qua trưa tới tận chiều tối, thậm chí tới hơn 3h chiều mới chốt nổi danh sách 22 người bầu cử BCH sau nhiều lần biểu quyết vì nhiều người xin rút, có người được đề cử vắng mặt.

Tuổi trung bình của BCH Hội Nhà văn Hà Nội hơn 60. Hội trường Nhà hát VOV gần như kín các mái đầu bạc, lác đác vài gương mặt trẻ. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến cho rằng nên xác định đại hội này để chuyển giao thế hệ. “Với tinh thần như vậy nên chăng những đồng chí nào đã 65, 70 dù có đề cử lần trước thì nên xin rút, để các bạn 40-50 vào BCH”, Vũ Ngọc Tiến nói. Nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng đồng tình nhu cầu trẻ hóa BCH.

Trước đó nhà thơ Đàm Khánh Phương lên tận bàn Chủ tịch đề nghị loại trừ những người không xứng đáng khỏi danh sách bầu cử. Chưa kịp hết ý, ông Phương bị ông Bùi Văn Kha ôm ghì vai đưa xuống. Nghỉ trưa xong ông Phương được đoàn chủ tịch mời lên sân khấu có lời nói lại cho rõ về hiểu nhầm không đáng có. Nhà thơ nhận được lời xin lỗi của ông Kha nên bỏ qua. Ông cũng tranh thủ phát biểu rằng, nhiều tham luận hay không có cơ hội trình bày nên “anh em hội viên không biết nhau, lấy đâu mà đề cử”.

Nguyễn Thị Thu Huệ có số phiếu bầu cao nhất, cũng trong số những người trẻ nhất BCH. Chị nhận được nhiều lời chúc mừng, cái bắt tay của đồng nghiệp cao tuổi. Hỏi nhà thơ Trần Nhương-người xin rút vì “già rồi còn làm thì dơ lắm”- ông cười phát biểu rằng BCH cũng tương đối trẻ rồi. 

Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội lần thứ 12 nhiệm kỳ 2015-2020: Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Hữu Việt, Nguyễn Sĩ Đại, Bùi Việt Mỹ, Trần Quang Quý, Y Ban, Nguyễn Việt Chiến, Trần Gia Thái.

Nhà thơ Vũ Quần Phương:

Tỉ mỉ thủ tục nhưng thiếu tình thân ái, văn chương

Đại hội mất gần một giờ để thông qua nội quy, cẩn thận nhưng điều đó khiến tôi nghĩ ngợi: Hội Nhà văn của một địa phương- cách đây vài chục năm chỉ là chi hội văn học trong Hội Văn nghệ Hà Nội- nhưng mất quá nhiều thời gian và quá căng thẳng cho thủ tục về quy chế phát biểu, tham luận. Điều đó cho thấy sự dân chủ nhưng dẫn đến hệ lụy-tình bè bạn đồng nghiệp, tình văn chương với nhau bị nhạt đi. Hội sinh ra để anh em thân ái với nhau, xem cái hay cái dở giúp nhau cùng tiến lên, nhưng lại gay gắt về những thứ không cần thiết và chẳng ảnh hưởng ghê gớm gì đến nghề viết. Tôi nghĩ phải đổi không khí, như thế này hành chính quá. Có người nói vừa vào đại hội đã ập ngay chuyện bầu cử, như thế người ta chỉ lo cái ghế ngồi cho mấy ông quản lý hơn, trong khi phần tham luận để đánh giá đóng góp của các cá nhân có thể quyết định nhân sự bầu cử nhưng không ai để ý. Thực tế, những người hoạt động trong Hội Nhà văn Hà Nội gần như không bổng lộc gì, nên chúng ta đang tự làm rối nhau một cách không đáng.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy:

Các hội đoàn đôi khi văng khỏi dòng chảy xã hội

Không khí đại hội khá dân chủ, gần như mọi quyền quyết định đều thuộc về đại hội, mọi ý kiến được lắng nghe. Một số vướng mắc được BTC đã giải quyết khá linh hoạt.

Về ý kiến cho rằng thiếu vắng người trẻ trong BCH, tôi nghĩ cũng không vấn đề gì, bởi đó là nguyện vọng cá nhân. Tuy nhiên điều này cũng đặt ra cho BCH nhiệm kỳ tiếp theo phải chăm lo đội ngũ kế cận.

Hiện các hội đoàn vẫn vận hành theo guồng quay cũ theo những gì chúng ta có, đôi khi văng ra khỏi dòng chảy xã hội. Hiện nay có không ít người viết trẻ đứng ngoài hội đoàn có thực lực, lan tỏa kết nối xã hội, vị nhân sinh rất cao. Họ chính là lực lượng đối trọng với các hội đoàn truyền thống. Điều này khiến các hội đoàn truyền thống phải xem lại cách vận hành, tự vấn xem mình viết để làm gì nếu viết mà không đến được với công chúng.

MỚI - NÓNG