Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Nguyễn Thị Thu Huệ: Chăm lo người già, mời gọi người trẻ

Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Nguyễn Thị Thu Huệ.
Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Nguyễn Thị Thu Huệ.
TP - Đắc cử chức Chủ tịch với 100% phiếu bầu của Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đăng đàn sau “sóng gió” ngày bầu cử 8/8.

Chị thấy sao khi tại phiên nội bộ, chị không có tên trong danh sách đề cử 17 người do Ban chấp hành (BCH) cũ đưa ra, cuối cùng chị đạt số phiếu bầu cao nhất và đắc cử chức Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội?

Hai đại hội cơ sở đã bầu ra 33 ứng cử viên vào BCH trong đó có tôi. Sau đó ban chuẩn bị đại hội rút lại một danh sách riêng của BCH đưa ra không có tôi và một số người nữa. Tuy nhiên đến phiên chính thức, đại hội chập hai danh sách lại để ra được 22 người vào vòng bầu cử. Tôi cảm ơn mọi người đã tin tưởng. Nhiều người đặt niềm tin thì trách nhiệm càng lớn.

Với hội nghề nghiệp như hội nhà văn có vẻ không khí bầu bán, tranh luận nảy lửa không cần thiết lắm?

Tôi nghĩ mọi cuộc bầu bán bao giờ cũng có ý kiến này, ý kiến khác. Ở Đại hội Nhà văn Hà Nội có thể hiểu được: Sợ danh sách đề cử 33 người khó bầu, BCH rút ra 17 người khiến hội viên không thoải mái và phản ứng, rồi chuyện không cho người đi vắng vào danh sách bầu cử. Hơn nữa, khoảng thời gian bảy năm chưa thể đại hội cùng một vài lùm xùm khác khiến mọi người không thể vui phơi phới đến đại hội. Từng dự nhiều đại hội nhà văn, điện ảnh rồi nên tôi vẫn thấy đây là đại hội thành công.

Lo cho Hội là việc của cả BCH, với tư cách tân Chủ tịch chị có hoạch định gì riêng?

Ngay khi được mọi người tín nhiệm, lập tức trong đầu tôi nghĩ các đầu việc sẽ thực hiện cùng các thành viên BCH. BCH mới tám người đủ cả nam nữ, nhưng tiếc thiếu nhà lý luận phê bình, nếu sau này được bổ sung chúng tôi sẽ đề cử. Chúng tôi sẽ phát huy tính dân chủ cao nhất, đặc biệt phải tôn trọng sự khác biệt. Theo quy định thì có 11 ủy viên BCH mới được bầu ba phó chủ tịch, nhưng tại phiên họp đầu tiên, tôi và một số thành viên đề nghị cần ba phó bởi phạm vi hoạt động của Hội Nhà văn Hà Nội rộng, thành viên lớn. BCH sẽ phân quyền cho từng ủy viên, phó chủ tịch đảm trách từng phần việc cụ thể.

Một trong những ý định nung nấu từ lâu của tôi là quan tâm tới các nhà văn lớn tuổi. Chúng tôi sẽ nghiên cứu mời các nhà văn có đề cương tác phẩm dự các trại sáng tác. Với các nhà văn lớn tuổi quen viết tay, chúng tôi sẽ tổ chức đánh máy tác phẩm cho các bác ấy. Hiện tôi là Giám đốc Trung tâm Bản quyền của Hội Nhà văn Việt Nam, việc giúp đỡ đánh máy này còn thuận lợi cho cả việc đăng ký bản quyền cho các bác ấy. Sách văn học không thu hút các NXB bởi cũng phải lo doanh thu, cho nên Hội Nhà văn sẽ là cầu nối giữa tác giả và các NXB. Bất cứ người viết nào được cầm cuốn sách in trên tay và thơm mùi mực in sẽ rất sung sướng.

Nhiều nhà văn, nhà thơ lấy làm tiếc vì rất hiếm gương mặt trẻ dự đại hội, tuổi trung bình của Hội Nhà văn Hà Nội cũng trên 60. Chị nghĩ gì về điều này?

Các nhà văn trẻ là những người sáng tác mới mẻ, có cách nhìn nhận, tiếp cận sáng tác khác-không cứ sáng tác theo lối truyền thống, họ sử dụng mạng xã hội để lan tỏa tác phẩm-nhưng họ đến gần với xã hội và công chúng hơn. Chúng tôi phải có trách nhiệm mời họ đến, chứ không thể đợi, không thể yêu cầu nhà văn phải viết đơn, xin giới thiệu, phải có cơ quan xác nhận.  

Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội tạo uy tín lâu nay vẫn được xem là đi ngược lại giải trung ương. Là thành viên cả Hội Nhà văn Việt Nam lẫn Hà Nội chị sẽ cân bằng thế nào?

Tôi nghĩ cần tôn trọng sự khác biệt của nghệ sỹ, của tác phẩm nghệ thuật. Sự khác biệt là điều quan trọng nhất làm nên từng nghệ sĩ, mang dấu ấn riêng. Hội Nhà văn Hà Nội làm được điều đó. Về tiêu chí đánh giá từng tác phẩm, mỗi người cảm nhận mỗi khác, nhưng Hội Nhà văn Hà Nội trao giải lâu nay vẫn rất uy tín, tôn trọng sự khác biệt. Chúng tôi duy trì giải thưởng này và các buổi sinh hoạt nghề nghiệp.

Với kinh nghiệm quản lý, ngồi ghế Chủ tịch một hội phức tạp nhiều mâu thuẫn như thế này có vẻ không làm khó chị?

Cá nhân tôi thấy Hội Nhà văn Hà Nội không nhiều mâu thuẫn. Thời nhà văn Hồ Anh Thái làm Chủ tịch, tôi là Phó Chủ tịch thường trực và anh Phạm Xuân Nguyên là Phó Chủ tịch, tôi thấy rất vui. Nhiệm kỳ sau đó nếu gọi là mất đoàn kết thì có lẽ không đến mức. Tôi nghĩ nhiều khi do quan điểm khác nhau, có thể nhà văn khi tranh luận khiến mọi người bên ngoài nhìn vào dễ gây hiểu lầm. Tôi lại thấy khâm phục các anh ấy vì dù ít người trong BCH nhưng làm được nhiều việc cho hội.

Cảm ơn và chúc mừng chị!

MỚI - NÓNG