Dùng đặc nhiệm chống IS, ông Obama sa chân vào vết xe đổ?

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: WhiteHouse.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: WhiteHouse.
Việc ông Obama điều thêm đặc nhiệm tới Trung Đông chống IS có thể là bước đầu tiên khiến Mỹ dần sa lầy vào một cuộc chiến chưa thấy hồi kết ở Syria.

Hôm 2/12, trả lời phỏng vấn CBS News, Tổng thống Mỹ Barack Obama kiên quyết bảo vệ quyết định triển khai "lực lượng tìm diệt viễn chinh đặc biệt" đến Syria và Iraq để chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và cho biết lực lượng đặc nhiệm là cần thiết để đánh bại mạng lưới khủng bố này mà không vi phạm cam kết của ông về việc không triển khai bộ binh ở khu vực.

"Khi tôi nói không triển khai quân trên thực địa ở đây, tôi cho là người dân Mỹ hiểu theo kiểu chúng ta sẽ không theo mô hình xâm chiếm như ở Iraq trước đây. Điều tôi muốn làm rõ ở đây là chúng ta sẽ gia tăng sức ép một cách có hệ thống để hoàn toàn tiêu diệt IS, và để thực hiện được điều này, chúng ta cần triển khai một lực lượng quân đội ở đó", ông Obama nói.

Giới phân tích cho rằng tuyên bố này của ông Obama không thể che phủ được một thực tế rằng Mỹ đang phải dựa ngày càng nhiều hơn vào lực lượng trên bộ trong cuộc chiến chống IS, khi chiến dịch không kích ngốn một lượng lớn bom và tên lửa suốt một năm rưỡi qua vẫn không ngăn chặn nổi IS.

Chuyên gia Micah Zenko ở Hội đồng đối ngoại Mỹ cho rằng tuyên bố này của ông Obama sẽ khiến người dân Mỹ bối rối về cam kết "không triển khai quân trên thực địa" mà ông đã nhắc đi nhắc lại 16 lần trong gần một năm trời. 

Khi thành lập liên minh hơn 60 nước và phát động chiến dịch không kích chống IS kéo dài hơn một năm rưỡi qua, Mỹ trông cậy rất lớn vào quân đội, dân quân Iraq và lực lượng "nổi dậy ôn hòa" ở Syria được cố vấn Mỹ huấn luyện.

Gần đây, chính quyền Mỹ đã phải chấm dứt chương trình hỗ trợ, huấn luyện quân nổi dậy ở Syria khi không đạt được một kết quả nào đáng kể, và thừa nhận cần phải có sự hiện diện của bộ binh Mỹ trên thực địa ở Syria để có thể đánh bại IS.

Hồi tháng 10, Obama đã lần đầu tiên công khai quyết định cử 50 đặc nhiệm để huấn luyện lực lượng dân quân người Kurd chống IS và thu thập thông tin tình báo về tổ chức khủng bố này.

Trong tuần đầu tiên của tháng 12, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố điều thêm 200 lính đặc nhiệm nữa tham gia trực tiếp vào Iraq và Syria. Theo lời ông Carter trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm 1/12, nhiệm vụ của lực lượng này là giải cứu con tin, thu thập tin tức tình báo và tiêu diệt các thủ lĩnh IS.

Theo ông Zenko, việc triển khai thêm 200 lính đặc nhiệm Mỹ tới Iraq và Syria là một sự chuyển biến trong chính sách can thiệp Mỹ, làm tiền đề để mở rộng dần sự hiện diện của bộ binh để thực thi nhiệm vụ trên chiến trường, điều mà nhiều tổng thống Mỹ đã làm và đã thất bại ở nhiều khu vực trên thế giới.

Dùng đặc nhiệm chống IS, ông Obama sa chân vào vết xe đổ? ảnh 1

Việc triển khai thêm lực lượng đặc nhiệm có thể khiến Mỹ lún sâu hơn vào cuộc xung đột ở Iraq và Syria. Ảnh minh họa: Defense.

Xác định sai kẻ thù

Theo giới phân tích, chiến lược can thiệp vào Iraq và Syria của ông Obama hiện nay là hạ thấp mức độ can dự của quân đội Mỹ ở giai đoạn đầu của chiến dịch, sau đó từng bước gia tăng can thiệp và phê chuẩn các nhiệm vụ mới, trong khi liên tục tuyên bố rằng đây  hoàn toàn không phải là sự leo thang và không hề vi phạm các cam kết trước đó.

Sau mỗi lần thay đổi mà Mỹ vẫn tuyên bố là "không có gì mới", quân số, vũ khí Mỹ trên thực địa lại tăng lên, trong khi Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chỉ cho rằng đây là "sự điều chỉnh chính sách nhỏ và thông minh" giúp Mỹ tiến gần hơn tới mục tiêu chiến lược là tiêu diệt hoàn toàn IS, theo ông Zenko.

Robert W. Merry, chuyên gia phân tích chính trị của National Interest cho rằng chính quyền Tổng thống Obama đang đi vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm khi xác định sai kẻ thù, dẫn đến sự lúng túng nghiêm trọng trong chiến lược ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung.

Merry điểm lại quá trình thực thi chính sách đối ngoại Mỹ trong 15 năm qua sau vụ khủng bố 11/9. Mỹ đã can thiệp quân sự vào Trung Đông nhưng việc không có chính sách cụ thể thời hậu chiến khiến Mỹ lĩnh hậu quả. Chẳng hạn như việc can thiệp quân sự Iraq khiến các tổ chức khủng bố al-Qaeda mới nảy sinh, gây mất cân bằng lực lượng giữa người Sunni và Shiite ở Iraq, làm nảy sinh bất ổn trong toàn bộ khu vực.

Khi phong trào Mùa xuân Arab lan rộng khắp Trung Đông vào cuối năm 2010, Mỹ nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ với những người biểu tình, trong đó có không ít là những kẻ Hồi giáo cực đoan, làm suy yếu vị thế dẫn đến sự sụp đổ của Tổng thống Hosni Mubarak, một đồng minh của Mỹ trong nhiều thập kỷ, và hỗ trợ cho sự xuất hiện của phong trào Anh em Hồi giáo.

Tại Libya, ông Obama đã tìm cách loại bỏ Tổng thống Muammar Qaddafi, người từng hứa chấm dứt các hoạt động chống phương Tây, từ bỏ nỗ lực sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt và không thể hiện bất cứ mối đe dọa nào với Mỹ.

Tại Syria, nhận thấy Tổng thống Bashar al-Assad đang bị phản đối trong nước, chính quyền Mỹ nhanh chóng đưa ra lập trường ông Assad phải từ chức thay vì hợp tác chống IS, dù cả Mỹ và chính quyền Syria, Nga, Iran và các bên liên quan đều muốn tiêu diệt tổ chức khủng bố này.

Theo ông Merry, trên thực tế IS mới là mối đe dọa lớn với bất ổn khu vực cũng như an ninh của phương Tây, trong khi ông Assad không phải là mối đe dọa. Sự mâu thuẫn trong mục tiêu diệt IS và lật đổ chính quyền của ông Assad khiến Mỹ gần như bị tê liệt về chính sách, tạo điều kiện cho Nga tiến vào và nắm thế chủ động trên chiến trường.

Các chuyên gia phân tích cho rằng để tránh lặp lại sai lầm như những người tiền nhiệm, ông Obama cần đánh giá lại chính sách đối ngoại và mục tiêu chiến lược của Mỹ ở Trung Đông.

"Mỹ cần xác định rõ kẻ thù và các mối đe dọa thực sự của mình, tính tới lợi ích chính đáng của các quốc gia khác cũng như cân nhắc cái giá của can thiệp quân sự trên khía cạnh xương máu, tiền của cũng như khả năng ổn định tình hình hậu can thiệp quân sự", Merry nhấn mạnh.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG