Dùng công nghệ quảng bá giá trị truyền thống ở vùng biên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại tọa đàm "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên" nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa là tường thành kiên cố bảo vệ biên cương Tổ quốc, và một trong những giải pháp là dùng công nghệ để quảng bá giá trị truyền thống.
Dùng công nghệ quảng bá giá trị truyền thống ở vùng biên ảnh 1

Tọa đàm diễn ra tại huyện Mèo Vạc. Ảnh: Xuân Tùng

Chiều 25/4, tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp tổ chức tọa đàm "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên".

Dự chương trình có anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Dùng công nghệ quảng bá giá trị truyền thống ở vùng biên ảnh 2

Anh Nguyễn Hải Minh phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Lâm Đăng Hải

Anh Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam cho biết: Tọa đàm nhằm tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức tôn trọng, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ.

Các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc hiện nay; việc triển khai, cụ thể hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên; các nội dung về văn hóa với bảo vệ an ninh biên giới, phát triển kinh tế xã hội vùng biên; vai trò của thanh niên trong bảo tồn, xây dựng, phát huy giá trị văn hóa bản địa.

Dùng công nghệ quảng bá giá trị truyền thống ở vùng biên ảnh 3

PGS.TS Lâm Bá Nam tham góp ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Xuân Tùng

PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam nhận định, di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam khổng lồ. Văn hóa và các giá trị truyền thống của các dân tộc cần được coi trọng là động lực phát triển kinh tế – xã hội ở các dân tộc, các vùng.

Theo ông Nam, trong chiến lược phát triển hiện nay, phải xây dựng quan niệm về chủ nhân, chủ thể văn hoá. Quan niệm và chỉ đạo thực hiện phải làm cho thực sự người dân có tiếng nói quyết định, không áp đặt dưới mọi hình thức đối với vấn đề phát triển của từng dân tộc, từng cộng đồng. Điều quan trọng, các chủ thể phải tự nhận thức, tự thấy nhu cầu đổi mới, thay đổi và phát triển.

Dùng công nghệ quảng bá giá trị truyền thống ở vùng biên ảnh 4

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng trao đổi về thực hiện sứ mệnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, số hóa các di sản văn hóa.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, hiện nhiều bạn trẻ đều sử dụng điện thoại có kết nối internet và tài khoản mạng xã hội như: TikTok, Youtube, Facebook. Các kênh truyền thông số có ưu thế không biên giới, đặc biệt gần như không phân biệt về mặt ngôn ngữ nên giải quyết được độ chênh về ngôn ngữ.

Do đó, PGS Hùng cho rằng, cần làm tốt công tác truyền thông đến giới trẻ, cần tận dụng công nghệ để quảng bá rộng rãi văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Với Hà Giang, bên cạnh việc nhất thiết xác lập bộ từ điển văn hóa của tỉnh, cần phải số hóa các thành tựu, di sản văn hóa.

Dùng công nghệ quảng bá giá trị truyền thống ở vùng biên ảnh 5

Đoàn viên thanh niên dân tộc tham dự tọa đàm. Ảnh: Xuân Tùng

Nâng cao năng lực số hoá cho thanh thiếu nhi

Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến đánh giá vai trò quan trọng của thanh niên trong việc phát huy, bảo tồn bản sắc giá trị văn hóa vùng biên.

Ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ tuyên truyền Ủy ban Dân tộc, đề xuất quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên là người dân tộc thiểu số trong việc tổ chức triển khai các hoạt động, góp phần phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Tổ chức dạy tiếng dân tộc cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo vùng.

Dùng công nghệ quảng bá giá trị truyền thống ở vùng biên ảnh 6

Ông Đinh Xuân Thắng trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Lâm Đăng Hải

Anh Sùng Mí Phìn - đại diện thanh niên khởi nghiệp huyện Đồng Văn cho rằng, chính những người, nhất là những thanh niên bản địa sẽ phù hợp nhất để có những sáng kiến, ý tưởng, dự án giúp quê hương phát triển. Việc khai thác được các giá trị văn hóa để phát triển kinh tế là cách bảo tồn, phát huy và quảng bá hiệu qủa nhất.

Dùng công nghệ quảng bá giá trị truyền thống ở vùng biên ảnh 7

Anh Sùng Mí Phìn chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Lâm Đăng Hải

Ông Trần Trọng Lưu, Chủ tịch HĐQT HARAgroup, đề xuất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, bản để người dân có điều kiện nhiều hơn đến tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, thể thao. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách đặc thù cho các nghệ nhân dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn và truyền dạy văn hóa phi vật thể tại cộng đồng các dân tộc.

Ông Lưu cũng cho rằng, cần các chính sách cụ thể, thống nhất giữa địa phương và nhà đầu tư, cũng như cộng đồng dân cư trong việc quản lý, phát triển các loại hình du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Dùng công nghệ quảng bá giá trị truyền thống ở vùng biên ảnh 8

Bà Vương Ngọc Hà, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc. Ảnh: Lâm Đăng Hải

Bà Vương Ngọc Hà, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mèo Vạc ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời bày tỏ quyết tâm Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc sẽ nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước xóa bỏ thủ tục lạc hậu, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực cho sự phát triển của huyện Mèo Vạc.

Dùng công nghệ quảng bá giá trị truyền thống ở vùng biên ảnh 9

Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phát biểu. Ảnh: Lâm Đăng Hải

Ủng hộ Hà Giang phải có bài bản, chứ không phải đưa tiền cho các em học sinh

Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẳng định, phải giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc đã gắn bó bao đời nay, nhưng cũng kiên quyết bài trừ, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.

Ông dẫn lại câu chuyện bắt vợ gây xôn xao mạng xã hội vừa qua, và khẳng định, đây không phải là hủ tục lạc hậu mà là tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân tộc ở Hà Giang. Tuy nhiên, đừng biến nó trở thành điều mà cộng đồng không thể chấp nhận.

Bên cạnh đó, ông chỉ dẫn hiện tượng học sinh bỏ học đến các điểm du lịch xin tiền du khách. Để xóa bỏ tình trạng này, có trách nhiệm của chính quyền địa phương, trách nhiệm của Đoàn trong giáo dục thế hệ trẻ, truyền thông điệp đến bậc phụ huynh.

"Hôm nay chúng ta phải nhắc lại một lần nữa, chúng ta có trách nhiệm, vai trò của Đoàn hết sức quan trọng, phải có trách nhiệm giáo dục cho các em học sinh, giáo dục cho phụ huynh. Ngược lại chúng ta cũng phải gửi thông điệp du khách đến Hà Giang dứt khoát không được cho tiền. Ủng hộ Hà Giang phải có bài bản chứ không phải là đưa tiền cho các em học sinh", ông Quý nhấn mạnh.

Dùng công nghệ quảng bá giá trị truyền thống ở vùng biên ảnh 10

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn phát biểu kết luận. Ảnh: Lâm Đăng Hải

Tại toạ đàm, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn ghi nhận các ý kiến, đề xuất của các đại biểu.

Các ý kiến đều thống nhất cao về giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc ở vùng giáp biên; văn hóa là tường thành kiên cố bảo vệ biên cương Tổ quốc.

“Tôi nghĩ nếu không có văn hóa đủ mạnh thì không chỉ không bảo vệ được cương thổ đất nước mà còn bị xâm lăng, đồng hóa văn hóa thì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển trường tồn của dân tộc”, anh Tuấn nói.

Anh Tuấn cho biết, thời gian qua T.Ư Đoàn đã tập trung triển khai các hoạt động liên quan đến 3 nội dung trọng tâm lớn, gồm: Văn hóa trên không gian số, văn hóa biên cương và khởi nghiệp văn hóa.

Theo anh Tuấn, tới đây, T.Ư Đoàn sẽ nhanh chóng triển khai các công việc liên quan đến việc phát triển văn hóa, trong đó có xác định cần bắt đầu từ thiếu niên nhi đồng; đẩy mạnh việc chuyển đổi số và nâng cao năng lực số cho thanh thiếu nhi; phát huy vai trò thanh niên trong tham gia chỉnh sửa, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp.

MỚI - NÓNG