Đừng coi danh hiệu UNESCO như bảo hiểm

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Nét văn hóa dân gian của người Việt. Ảnh: TTXVN.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Nét văn hóa dân gian của người Việt. Ảnh: TTXVN.
TP - “Bản thân tôi lo ngại, sau vinh danh, nhiều người nhảy ra mở phủ, lên đồng. Không thể coi việc UNESCO công nhận di sản như bảo hiểm được”, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Sanh Châu nói.

Tự hào dân tộc

“Nhận diện giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt”, do Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản phi vật thể Việt Nam phối hợp quận Tây Hồ tổ chức ngày 25/12, là một trong số các diễn đàn để một lần nữa định vị các giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu. “Lần đầu tiên UNESCO vinh danh người phụ nữ Việt Nam thông qua hình tượng thánh mẫu, dù trước đó người phụ nữ Việt Nam được nhắc đến rất nhiều. Đây là thắng lợi của chúng ta, là dịp để chúng ta nhìn rộng hơn về di sản”, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Sanh Châu nói.

“Tôi muốn nhắc lại bốn yếu tố đặc trưng của tín ngưỡng thờ mẫu được UNESCO công nhận: bản sắc dân tộc, tính gắn kết, hồi ức lịch sử và khát vọng tâm linh”, ông Châu nói. Đó là bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, bởi đây là tín ngưỡng gốc của người Việt. Tính cố kết cộng đồng thể hiện ở chỗ chưa có tín ngưỡng nào có sức lan tỏa như thế. Nhìn vào tín ngưỡng thờ mẫu có thể thấy như cuốn sách lịch sử, bởi có nhiều hình ảnh các vị anh hùng dân tộc trong đó. UNESCO nhìn ra khát vọng tâm linh mạnh mẽ trong tín ngưỡng, điều đặc biệt là tính nhân văn đậm đà hơn-tín ngưỡng thờ mẫu hướng con người tới cuộc sống hiện tại tốt đẹp hơn, không phải cầu nguyện để chờ tới thế giới sau này. “Trong mỗi chúng ta ai cũng có đức tin, lần đầu tiên đức tin này được thừa nhận. Các chuyên gia quốc tế nhìn nhận về đạo mẫu tổng thể, bao dung hơn các giá trị và sức mạnh mà trước đó chúng ta không thấy”, ông nói.

Không cậy di sản làm càn

Ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, thừa nhận, Hà Nội thời gian qua tương đối thắt chặt tín ngưỡng, một phần do nhiều người chưa thực sự am hiểu tín ngưỡng, rồi việc lợi dụng, thương mại hóa tín ngưỡng cũng không hiếm. “Liên quan đến tín ngưỡng thờ mẫu chưa có quy định pháp quy, với tư cách nhà quản lý chúng tôi mong có quy định rõ ràng hơn”, ông Tài nói. Vì thế các nhà tổ chức mong nghe thêm các ý kiến đóng góp để bảo tồn và phát huy giá trị.

Tín ngưỡng là đức tin, luôn ẩn chứa yêu tố huyền bí và ranh giới giữa đức tin và mê tín rất mong manh. UNESCO nói rất rõ về thực trạng thương mại hóa quá mức di sản văn hóa phi vật thể này. “Nhiều thanh đồng đạo quan hiện nay thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tốn kém quá”, TS. Vũ Hồng Thuật, Bảo tàng Dân tộc học nói, ông cũng là người từng làm luận án tiến sĩ về hầu đồng. Ông nói rằng, nhiều nơi một giá hầu ở phủ mất tới bảy triệu đồng, nhưng ở những miền thôn quê có khi cả buổi hầu chỉ tốn chưa đến hai triệu đồng mà nghi lễ vẫn thành kính, trọn vẹn. “Mê tín hay không phụ thuộc chúng ta. Chẳng hạn cũng là ngựa to thì bảy trăm ngàn hoặc hơn, nhưng chúng ta làm ngựa nhỏ thôi. Lễ vật cũng thế, miền thôn quê phát lộc chỉ quả chuối, quả cam. Lộc thánh thì không nên quan niệm nhiều hay ít, nhiều thanh đồng đạo quan hiện nay phát lộc hơi nhiều”, TS Thuật nói.

Tín ngưỡng thờ mẫu là một trong những di sản không lo mai một, chỉ sợ biến tướng và bùng phát dưới nhiều góc độ. Sự bảo tồn thờ mẫu có thể hiểu là giữ cho nó bớt lệch chuẩn như GS Ngô Đức Thịnh và nhiều nhà khoa học khác từng lên tiếng. Không chỉ là trục lợi, thương mại hóa, mà nhiều người lo ngại sự biến tướng của cung văn ngày nay. Nhà nghiên cứu âm nhạc Hồ Thị Hồng Dung nhận thấy sự thống trị của hát văn hầu, sự lùi vào hậu trường của hát văn thờ: “So với hồi xưa, cung văn bây giờ ít được đào tạo bài bản theo lối truyền thống thành ra giờ ồn ào kém tôn kính chưa kể âm nhạc nước ngoài bây giờ ảnh hưởng nhiều tới âm nhạc hát văn”.

Đồng thuận với đề xuất phát hành băng đĩa giới thiệu điệu hát văn chuẩn của nhà nghiên cứu Hồng Dung, TS Vũ Hồng Thuật xếp thể loại này vào cách bảo tồn tĩnh. Ông cho rằng có thể thu âm, ghi hình các giá trị văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ mẫu để so sánh sự biến chuyển. Còn bảo tồn động được thực hiện trong cộng động thực hành tín ngưỡng, ở các cơ sở thờ cúng. Ông đưa ra năm điều kiện đủ đối với người hầu đồng, hầu bóng: Người đứng ra phải có căn số, xuất thân gia đình, dòng họ trông coi cơ sở thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, am hiểu về chữ Hán biết thực hành tín ngưỡng, bắt buộc phải trải qua nhập đạo và cấp sắc đồng, thực hành tín ngưỡng phải được cộng đồng thừa nhận.

“Bản thân tôi lo ngại sau vinh danh nhiều người nhảy ra mở phủ, lên đồng. Không thể coi việc UNESCO công nhận di sản như bảo hiểm được. Gánh nặng rất lớn đặt lên vai Bộ VHTTDL, các nhà quản lý địa phương. Các nhà quản lý cần thảo luận nhiều hơn để nhận rõ giá trị văn hóa thật sự, để sự vinh danh này không phản tác dụng, làm xấu xí hình ảnh đất nước”, ông Châu nói. Một nguyên tắc được các chuyên gia luôn nhắc tới là để cộng đồng quyết định, tuy nhiên các nhà quản lý vẫn phải có biện pháp để không tạo ra sự bùng phát, đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa. Ông nói thêm,  Bộ VHTTDL cần đưa ra các quy định cụ thể, quan tâm hơn tới đào tạo hát văn, trao truyền, xếp hạng và công nhận danh hiệu cho cung văn bên cạnh các giải pháp khác.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.