Tuy nhiên, cô ấy nhất quyết giữ cái thai ấy lại và nói rằng sẽ nuôi con một mình và cháu không phải bận tâm.Bây giờ cháu hay nghĩ đến đứa con của mình. Cháu chưa muốn xây dựng gia đình khi sự nghiệp mình còn chưa đâu vào đâu. Cháu cũng không chắc là cháu yêu mẹ của đứa con của cháu bác sĩ ạ. Cháu nghĩ nhiều mà chẳng có hướng ra nào sáng sủa cả...
Bác sĩ Lương Cần Liêm kính mến,
Đời cháu có rất nhiều cái không thể ngờ đến. Cháu không nghĩ là mình đã làm chuyện đó (quan hệ tình dục) với những 15 cô gái chỉ trong vòng 1 năm qua. Cháu cũng không nghĩ là mình sẽ làm bố ở tuổi 22. Cháu cũng chẳng nghĩ đến một lúc phải viết thư hỏi bác sĩ.
Cháu là con trai tỉnh lẻ lên Hà Nội học. Học lực khá, đọc nhiều sách, chơi được nhiều môn thể thao, sống hòa đồng…, nhưng trong mắt của rất nhiều bạn nữ thành phố trong lớp lúc mới nhập trường cháu vẫn bị coi là “thằng nhà quê”. Cụm từ này như một vết thương lòng mà mỗi khi gặp một cô gái kiêu sa thành thị là cháu lại đau bác sĩ ạ. Điều này càng khiến cháu quyết tâm học tốt để lập nghiệp và thành đạt ở thành phố. Cháu lao vào học như điên. Hết thời gian học chính khóa cháu theo học ngoại ngữ, các lớp kỹ năng mềm để phục vụ nghề nghiệp sau này. Ba năm học đầu tiên, học lực của cháu đều thuộc nhóm đầu của trường. Cuối năm thứ ba, cháu đã được các thầy cho đi theo làm các dự án. Một số công ty săn đầu người đã tìm đến cháu. Và đầu năm thứ tư cháu đã vừa đi học vừa đi làm cho một tập đoàn nước ngoài.
Cháu nhanh chóng hòa nhập với môi trường doanh nghiệp nhờ khả năng ngoại ngữ tốt. Mọi người trong công ty cũng rất quý cháu vì tuy còn trẻ mà hiểu biết rộng, ham học hỏi, có nhiều tài lẻ… Nhân viên của tập đoàn nước ngoài sống rất hiện đại và thoáng. Lãnh đạo tập đoàn đánh giá nhân viên bằng doanh thu chứ không căn cứ vào tuổi tác, bằng cấp, thâm niên. Sáu tháng đầu tiên, nhóm của cháu hoàn thành 2 dự án lớn. Mọi người trong tổ tín nhiệm bầu cháu làm tổ phó phụ trách ý tưởng. Cháu cũng được bầu làm chủ tịch CLB thể thao của tập đoàn. Ông phó chủ tịch tập đoàn còn tín nhiệm giao cho cháu chức trợ lý. Cháu nhanh chóng trở thành người nổi tiếng cả ở trường và ở nơi làm việc.
Cô bạn gái xinh nhất lớp, người từng coi cháu là thằng nhà quê, sau vài mối tình khá ồn ào cũng bật đèn xanh cho cháu tấn công. Cháu hiểu ý và chỉ sau vài lần đi chơi với nhau, chúng cháu đã làm chuyện ấy. Yêu nhau được một thời gian ngắn, cháu chủ động chia tay. Cháu chẳng thấy buồn chán mà thấy hả hê vô cùng. Rồi cháu lại cặp với những cô gái thành phố xinh đẹp khác làm trong tập đoàn. Cháu cặp với cả những cô gái nhiều tuổi hơn cháu. Cháu làm chuyện ấy với các cô rồi lại chủ động chia tay. Và cháu lại cảm thấy hả hê vô cùng.
Cho đến hôm vừa rồi, cô gái thứ 15 mà cháu đã quan hệ gọi điện báo tin là cháu đã được làm bố. Cháu đã khuyên cô ấy bỏ cái thai ấy đi vì cháu không có ý định cưới cô ấy làm vợ và chưa sẵn sàng làm cha. Tuy nhiên, cô ấy nhất quyết giữ cái thai ấy lại và nói rằng sẽ nuôi con một mình và cháu không phải bận tâm.
Bây giờ cháu hay nghĩ đến đứa con của mình. Cháu chưa muốn xây dựng gia đình khi sự nghiệp mình còn chưa đâu vào đâu. Cháu cũng không chắc là cháu yêu mẹ của đứa con của cháu bác sĩ ạ. Cháu nghĩ nhiều mà chẳng có hướng ra nào sáng sủa cả. Cháu vẫn tự hào là người nhanh trí và có nhiều sáng kiến trong công việc, nhưng trong câu chuyện của chính cháu thì cháu lại không biết làm thế nào. Việc học hành của cháu đang ở giai đoạn quan trọng nhất mà cháu thì lại đang không thể tập trung. Rất mong bác sĩ cho cháu lời khuyên sớm.
Cháu xin cảm ơn và chờ hồi âm của bác sĩ.
M.H.N
Giáo sư tâm lý, bác sĩ tâm thần Lương Cần Liêm: M.H.N thân, Cháu đang băn khoăn như thế nghĩa là tâm trí cháu đang thức tỉnh tinh thần trách nhiệm khi biết mình có (phần) “trách nhiệm của một bào thai”. Về tâm lý, tinh thần trách nhiệm đi đôi với việc mình tự đánh giá hành vi của mình trong cuộc sống riêng hoặc chung, nhưng cái riêng và cái chung không bao giờ thật sự tách rời nhau. Có thể là ưu tiên cái riêng của mình (gọi là tính cá nhân), có thể ưu tiên tập thể (gọi là tính thương người). Lý tưởng là có sự cân bằng. Đánh giá thấy tốt thì ta tiếp tục, thấy xấu thì ta thấy tội lỗi rồi sửa sai, có giá thì phải trả. Ưu tiên cho cái riêng hoặc cái chung cũng tùy lúc, tùy thời cơ, tùy quyền lợi, giáo dục, và nhất là tùy người và tình cảm đối với người đó. Có lẽ tình trạng của cháu xuất phát từ một ám ảnh: Làm sao giải quyết được cái đánh giá “thằng nhà quê”. Khi không muốn bị - và hết bị - đánh giá như thế thì con người cần tạo ra một số bằng chứng. Thay gì mang các chứng hiệu ấy vào trong người thì cháu lại mang trên người, muốn cho người đời thấy và kính phục hành vi xuất sắc của mình. Cháu muốn là họ sẽ phải nói: “Nó hết là thằng nhà quê rồi” hay “nó không bao giờ là thằng nhà quê”. Cháu đã bị hoàn cảnh bóp méo rồi bóp chẹt. Cháu không có thì giờ và có bạn để giúp cháu lắng nghe biết mình là người như thế nào kể từ lúc rời quê nhà lên thành phố. Cái bề ngoài tưởng chừng đã là bề trong. Trong cuộc chạy đua để mình biến đổi từ “thằng nhà quê” đến “thằng thành phố xịn”, cháu đã dùng tất cả lý trí để vượt xuất mà tâm không đi theo cùng hướng, cùng nhịp. Về lý trí, cháu đã tạo ra công ăn việc làm, cháu sống có trách nhiệm với công việc, nhưng về phần tâm hồn thì cháu lại bỏ quên phần của mình. Do đó cháu cũng đã bỏ quên luôn phần tâm hồn của 15 phụ nữ đã “mê” tài của cháu. Việc cháu đã làm chuyện ấy với 15 phụ nữ cũng giống như bao việc khác mà cháu đã làm là để có bằng chứng công trạng mà thôi. Thế nhưng, con người không phải là một “việc”, cũng không phải là một “vật”. Con người có ý muốn: Cháu muốn phá thai, cô thứ 15 không muốn. Đấy là “trách nhiệm bào thai”, tức là trách nhiệm của cháu với một người khác (gọi là mẹ đứa bé) rồi sau này với con của cháu được sinh ra. Cái băn khoăn của cháu vẫn là trách nhiệm. Nhưng sau phần trách nhiệm thì tình người như thế nào? Rồi xa hơn, tình cảm của cháu đối với đứa bé sẽ ra sao? Các chuyên gia tâm lý thường nói: “Anh làm tùy theo lương tâm và đạo đức của anh, nhưng cái gì cũng có một giá phải trả, không trước thì sau”. Cháu có thể nói: Tôi với cô làm chuyện ấy và trách nhiệm của chúng ta dừng ở đấy thôi (chứ không phải là để sinh con). Như thế, cháu coi phụ nữ là trò vui. Hoặc cháu có thể nói: Tôi yêu cầu cô phá thai, cô không nghe thì cô ráng chịu. Như thế là cháu nhận trách nhiệm bào thai mà không nhận trách nhiệm kết quả bào thai. Nói đến cùng, giá phải trả là cháu tiếp tục yêu cháu (rồi làm bộ quên quá khứ) hoặc cháu biết hy sinh một phần của cháu để biết thương người nói chung, và thương một người mình “vô tình” chọn chính vì người đó đã chọn mình. Điều đó mới quan trọng, còn đám cưới và mô hình lập gia đình chỉ là một phần thủ tục văn hóa thôi. |
Theo Sinh viên Việt Nam