Một trạm nén khí tự nhiên của Đức. (Ảnh: Reuters) |
Ủy ban châu Âu dự kiến trong tuần này sẽ đề xuất gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, có thể bao gồm lệnh cấm mua dầu mỏ.
Ngày 2/5, Đức - khách hàng mua năng lượng lớn nhất của Nga, cho biết nước này đã chuẩn bị cho việc ủng hộ EU cấm vận dầu mỏ của Nga ngay lập tức.
“Chúng tôi đã cố gắng đạt đến ngưỡng có thể chịu đựng được một lệnh cấm vận dầu mỏ”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz là người luôn thận trọng hơn các lãnh đạo châu Âu khác trong ủng hộ Ukraine, nhưng ông đang chịu nhiều sức ép phải cứng rắn hơn với Nga.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình ZDF, ông Scholz hứa rằng sẽ không dỡ bỏ trừng phạt cho đến khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp định hoà bình với Ukraine.
Từ bỏ dầu mỏ của Nga là việc dễ dàng với châu Âu hơn là giảm phụ thuộc vào khí tự nhiên từ nhà cung cấp lớn nhất. Mátxcơva yêu cầu các khách hàng châu Âu thanh toán bằng tiền rúp, nhưng EU gạt bỏ. Tuần trước, Mátxcơva cắt nguồn cung cho Ba Lan và Bulgaria vì không chấp nhận yêu cầu này.
Trong cuộc họp ngày 2/5, các bộ trưởng EU cảnh báo rằng việc thực hiện theo yêu cầu thanh toán của Nga sẽ vi phạm lệnh trừng phạt của EU.
Trong cuộc họp ngày 4/5, các đại sứ EU sẽ thảo luận về lệnh cấm nhập dầu mỏ từ Nga.
Trong khi đó, tại Ukraine, nhóm dân thường đầu tiên được sơ tán khỏi nhà máy thép ở Mariupol đã được đưa đến thành phố Zaporizhzhia trong một chiến dịch sơ tán do Liên Hợp Quốc tổ chức.
Đây là nhóm đầu tiên thoát khỏi thành phố bị bao vây kể từ khi Nga tuyên bố đã “giải phóng” được địa bàn này. Ukraine cho biết vài trăm dân thường bị kẹt trong nhà máy Azovstal cùng với nhóm binh lính cuối cùng của thành phố.