Đưa vào hoạt động công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều 5/3, tại Kiên Giang, Bộ NN&PTNT tổ chức khánh thành dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 với kinh phí 3.300 tỷ đồng.
Đưa vào hoạt động công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam ảnh 1

Cống Cái Lớn - Cái Bé chính thức đi vào hoạt động. - Ảnh: Hòa Hội

Dự án có tổng vốn đầu tư trên 3.300 tỉ đồng, do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NNPTNT) làm chủ đầu tư; được triển khai xây dựng tại xã Bình An, (Châu Thành, Kiên Giang) gồm: cống Cái Lớn, cống Cái Bé và đê nối với Quốc lộ 61. Bộ NN&PTNT cho biết, mục tiêu của dự án cống Cái Lớn - Cái Bé là giúp kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi tại ĐBSCL với diện tích tự nhiên trên 384.000 ha (gồm các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau), trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên 346.241 ha.

Bên cạnh đó, công trình này kết hợp với tuyến đê biển phía Tây sẽ tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng. Dự án cống Cái Lớn - Cái Bé xây dựng hoàn thành vào năm 2021. Vào tháng 1/2022, công trình đã bàn giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa vận hành khai thác.

Đưa vào hoạt động công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành thực hiện nghi thức khánh thành dự án Cái Lớn - Cái Bé.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững tại vùng Bán đảo Cà Mau nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Bên cạnh đó, để phát huy tối đa hiệu quả của dự án, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2, mở rộng vùng hưởng lợi của dự án, hoàn thiện quy trình vận hành hệ thống. Đồng thời, xây dựng mô hình tổ chức quản lý các công trình thủy lợi liên tỉnh trong vùng ĐBSCL đảm bảo thống nhất, an toàn.

Đưa vào hoạt động công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của các địa phương, người dân, nhà khoa học để hoàn thành công trình này. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu đưa vào khai thác công trình cho hiệu quả tối đa công suất. Ngoài ra, tạo thêm sinh kế cho người dân bằng cách phát triển các ngành nghề khác, như du lịch, tạo công ăn việc làm và tiếp tục chăm lo đời sống cho người dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ĐBSCL là vùng đất đặc thù, có nhiều tiềm năng khác biệt lẫn cơ hội lợi thế cạnh tranh, là vùng đất chiếm 12% diện tích canh tác cả nước với dân số gần 20 triệu người, nhưng đóng góp 50% sản lượng lúa cả nước, 65% sản lượng nuôi trồng thuỷ sản; 70 sản lượng trái cây…, góp phần quan trọng vào xuất khẩu nông, thuỷ sản năm 2021 đạt hơn 48 tỉ USD.

Dù đánh giá có tiềm năng nhưng Thủ tướng cho rằng, ĐBSCL cũng là vùng đất có nhiều thách thức, vì đây là khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa sạt lở, ngập mặn, sụt lún.

Thủ tướng yêu cầu phải có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược để phát triển ĐBSCL. Đồng thời, chủ động thích thích biến đổi khí hậu và kiểm soát thuận thiên; có tầm nhìn dài hạn và phát triển nhanh nhưng phải bền vững.

Để làm được như vậy, Thủ tướng đề nghị tập trung tháo gỡ 3 nút thắt quan trọng. Đó là về hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, xã hội, y tế, giáo dục, chuyển đổi số. Nút thắt này đang từng bước được tháo gỡ, như hiện nay đang đầu tư đường cao tốc để kết nối vùng. Thứ hai là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng ĐBSCL. Ngoài ra, kết nối vùng sản xuất lớn và chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.