Hãng tin RT dẫn nguồn Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho biết, ít nhất 8 nhà báo đã bị thương khi đưa tin về cuộc biểu tình của người Palestine hôm 14/5 tại dải Gaza nhằm phản đối việc mở Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem.
Trong khi đó, Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) ước tính con số này lên đến 13 người, bao gồm phóng viên ảnh Omar Hamdan, phóng viên tờ Al Jazeera – Wael Dahdouh, phóng viên Farhan Hashem Abu Hadayd, Abdullah al-Shorbagi, quay phim Mohammed Abu Dahrouj, phóng viên phát thanh Nihad Fuadand và Yasser Qdeih.
Phóng viên Qdeih bị thương nặng, hiện đang được chăm sóc đặc biệt sau khi trải qua cuộc phẫu thuật ở bệnh viện Đông Jerusalem hôm 15/5.
Theo CPJ, tính từ ngày 30/3 đến nay, có ít nhất 23 nhà báo đã bị thương vì hoả lực của Lực lượng Phòng vệ Israel khi đưa tin về các cuộc biểu tình hàng tuần tại dải Gaza.
Con số này không bao gồm những nhà báo bị thương do tấn công vũ lực, do hơi cay và vỏ đạn, nhưng bao gồm 2 phóng viên đã qua đời vì thương nặng là Yaser Murtaja và Ahmad Abu Hussein.
Một số nhà báo bị thương khi đưa tin tại dải Gaza hồi tháng 4. Ảnh: Twitter
Các nhà báo đều mặc áo bảo hộ có chữ "Báo chí". Ảnh: Twitter
Ảnh: Twitter
Yaser Murtaja, 31 tuổi, một nhân viên quay phim cho hãng truyền thông Ain Palestin, đã qua đời vào ngày 7/4 sau khi bị lực lượng Israel bắn trúng hôm 6/4 giữa lúc đưa tin về cuộc biểu tình ở phía nam dải Gaza. Vào thời điểm bị bắn, Murtaja mặc một chiếc áo màu xanh in chữ “Báo chí”.
Sau khi Murtaja qua đời, quân đội Israel cho biết họ không cố ý nhắm vào các nhà báo và khẳng định sẽ xem xét lại hoàn cảnh của vụ nổ súng.
Các nhà báo biểu tình sau vụ Yaser Murtaja thiệt mạng. Ảnh: Reuters
Cùng cảnh ngộ, nhà báo Ahmad Abu Hussein, 24 tuổi, bị bắn bởi lực lượng Israel trong một cuộc biểu tình ở dải Gaza vào ngày 13/4, và qua đời vào ngày 25/4 vì vết thương quá nặng.
Sau cái chết của Hussein, liên minh các nhà báo Palestine cáo buộc Israel cố tình nhắm vào các phóng viên nước này, và thề sẽ buộc Tel Aviv phải chịu trách nhiệm.
Hôm thứ Hai, 14/5, ít nhất 60 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 2.700 người khác bị thương do hoả lực của Israel tại dải Gaza, khi đang tham gia cuộc biểu tình phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv đến thành phố này.
Israel bác bỏ cáo buộc sử dụng vũ lực dã man chống lại đoàn người biểu tình, đồng thời khẳng định cuộc đàn áp là việc làm cần thiết để bảo vệ biên giới.