Đưa 32 trạm cấp nước sử dụng năng lượng tái tạo vào sử dụng

Đưa 32 trạm cấp nước sử dụng năng lượng tái tạo vào sử dụng
TP - Vùng nông thôn ĐBSCL đã đưa vào sử dụng 32 trạm cấp nước sử dụng năng lượng tái tạo (30 trạm sử dụng năng lượng mặt trời, 2 trạm sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp năng lượng gió), để 16.000 hộ nông dân thoát cảnh “cúp điện là cúp nước”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết ở ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái (Phong Điền, Cần Thơ) phấn khởi mở vòi cho dòng nước trong vắt chảy ra, cười tươi: “Lúc nào cũng có nước sạch sẽ”. Ấp này được xây dựng trạm cấp nước năm 2007 nhưng cứ “cúp điện là cúp nước” và vì điện chập chờn nên nước cũng không tốt. “Dân kêu quá trời mà không thấu vào đâu, từ ngày trạm được lắp hệ thống năng lượng mặt trời thì nước sạch thoải mái”, bà Tuyết vẫn cười rất tươi.

Lại còn có mấy trạm cấp nước xây xong nhưng chưa có điện nên cửa đóng then cài, người dân phải xài nước không hợp vệ sinh. Đó là trạm cấp nước xã Đông Phước (Châu Thành, Hậu Giang) đóng cửa mấy năm cho đến năm nay, đã đi vào hoạt động từ khi được lắp hệ thống năng lượng mặt trời. Ngoài hòn cù lao giữa sông Hậu thuộc tỉnh An Giang, trạm cấp nước Mỹ Thạnh ở xã Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên) cũng xây xong đóng cửa vì không có điện. Mới đây, được lắp hệ thống năng lượng mặt trời và chỉ ít lâu đã có hơn 200 hộ gắn đồng hồ để đón dòng nước mát tuôn chảy suốt ngày đêm.

Cả thảy 32 trạm cấp nước sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió được lắp đặt hoàn chỉnh ở 13 tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL, từ giữa năm ngoái đến nay. Đây là dự án do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Các trạm được thiết kế chế độ tự động chạy năng lượng mặt trời và cũng tự động chuyển sang chạy điện lưới khi cần (ban đêm). Vì vậy, khắc phục gần như triệt để cảnh “cúp điện là cúp nước”, còn tiết kiệm được 30-40% sản lượng điện lưới tiêu thụ tính trong mùa cao điểm nắng nóng. 

Đại diện đơn vị tư vấn kỹ thuật cho biết, tiền đầu tư tấm pin mặt trời và máy bơm cho một trạm cấp nước phục vụ 300 hộ dân là khoảng 300-400 triệu đồng.

MỚI - NÓNG