Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2025: Hai quy định 'gây khó'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 đang trong thời gian lấy ý kiến. Nhiều điểm mới được đưa ra nhằm đảm bảo công bằng trong tuyển sinh, nhưng nhiều trường ĐH cho biết, vẫn còn không ít vướng mắc.

Băn khoăn trọng số môn chính

Hai quy định mới liên quan đến xét tuyển ĐH năm nay được đưa vào dự thảo Quy chế là tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm; số môn chung của các tổ hợp trong một chương trình, một ngành, một nhóm ngành đào tạo phải có trọng số điểm chiếm ít nhất 50%.

Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2025: Hai quy định 'gây khó' ảnh 1

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024Ảnh: NGHIÊM HUÊ

Bà Phạm Thanh Hà, Phòng Quản lí đào tạo ĐH, Trường ĐH Ngoại thương lấy ví dụ, nhà trường xét tuyển các tổ hợp truyền thống A00 (Toán, Lí, Hóa), A01 (Toán, Lí, Anh), D01-D07 (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ). Với quy định các tổ hợp xét tuyển phải có môn chung chiếm trọng số điểm ít nhất là 50% thì tổ hợp A01 và D0-D07 đạt yêu cầu vì có tới 2/3 môn chung là Toán, Ngoại ngữ. Nhưng tổ hợp A00 môn chung là Toán chỉ chiếm 1/3 (33%) thì khi đó phải nhân hệ số môn Toán lên 2 ở các tổ hợp A00, D01-D07 mới đạt yêu cầu. Khi đó, những thí sinh xét tuyển tổ hợp D01-D07 vốn có thế mạnh môn khoa học xã hội là Ngữ văn, Ngoại ngữ sẽ thiệt hơn thí sinh xét tổ hợp A00 có thế mạnh môn Toán. Nhưng nếu không xét tổ hợp A00 thì ảnh hưởng đến chất lượng nguồn tuyển của nhà trường, vì chất lượng đào tạo đã chứng minh điều đó.

Bà Hà cho hay, nhà trường băn khoăn không biết có nên giữ tổ hợp A00. Bộ GD&ĐT có thể cân nhắc tỉ lệ môn chung, nếu đảm bảo mức tối thiểu 1/3 để đảm bảo tuyển sinh và thuận lợi cho thí sinh. Trường ĐH Kinh tế Nghệ An mong muốn Bộ GD&ĐT giải thích rõ hơn 2 quy định trên để triển khai một cách thuận tiện.

PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ quy định tổ hợp xét tuyển tối thiểu 3 môn và quy định trong mỗi tổ hợp phải có môn Toán hoặc Ngữ văn, trọng số điểm của môn này phải chiếm 1/3 tổng điểm xét tuyển của tổ hợp. Ví dụ, trường muốn xét tổ hợp A00 (Toán, Lí, Hóa) thì điểm của môn Toán phải chiếm trọng số 33% trong tổng điểm 3 môn.

Đối với quy định số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm, ông Dũng khẳng định, chia sẻ của Trường ĐH Ngoại thương đặt ra đúng vấn đề của thực tiễn. Đây là thực tế xảy ra với các tổ hợp truyền thống khi trường ĐH sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển. Từ đề xuất của Trường ĐH Ngoại thương, Vụ Giáo dục ĐH sẽ rà soát kĩ trước khi trình dự thảo lần cuối để lãnh đạo Bộ kí ban hành.

Cần đảm bảo công bằng cho thí sinh tự do

Em Tạ Hải Đông (Thường Tín, Hà Nội) là thí sinh tự do năm nay và muốn xét tuyển vào khối trường sư phạm (Đông tốt nghiệp năm 2024). Sắp tới, Đông muốn đăng kí xét tuyển nhóm ngành sư phạm để được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí. Theo dự thảo, năm nay, thí sinh muốn xét tuyển vào nhóm ngành này và nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề (dù ở bất kì phương thức nào) phải đạt kết quả học tập trong cả 3 năm THPT xếp mức Tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8.0 trở lên.

Trong khi đó, từ năm 2024 trở về trước, Quy chế tuyển sinh quy định đối với những phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp, thí sinh đạt học lực lớp 12 từ loại Giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8.0 trở lên. Như vậy, dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2025 đã nâng chuẩn đối với thí sinh muốn xét tuyển vào nhóm ngành giáo viên và sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Trong đó, Đông thấy không hợp lí khi quy định kết quả học tập 3 năm THPT ngay từ năm nay cho những thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ năm 2024. Vì những thí sinh như Đông học theo chương trình giáo dục 2006, chuẩn bị xét tuyển theo quy chế cũ. Việc nâng chuẩn đột ngột rất bất lợi cho thí sinh tự do.

Về vấn đề này, ông Dũng cho hay, Bộ GD&ĐT đã nâng chuẩn trong xét tuyển nhóm ngành Sư phạm và Sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu thật kĩ, dù có 1 thí sinh cũng cân nhắc để chính sách ban hành sau tác động đến thí sinh đã được đào tạo trước, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Ông Dũng cũng lưu ý đối với thí sinh tự do năm nay cần đọc kĩ đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH để lựa chọn môn thi phù hợp.

Những thí sinh xét tuyển nhóm ngành Công an, Quân sự phải đặc biệt lưu ý thực hiện sơ tuyển theo quy định. Thời gian qua, Vụ Giáo dục ĐH phải xử lí nhiều trường hợp thí sinh đủ điểm trúng tuyển khối ngành này nhưng không sơ tuyển, bị loại và cơ hội học tập ở các trường ĐH đăng kí nguyện vọng sau cũng không còn do các trường đã đủ chỉ tiêu.

Về phía cơ sở giáo dục ĐH, ông Dũng chia sẻ, năm nay, hệ thống dữ liệu của Bộ GD&ĐT đã dần hoàn thiện, trường ĐH cần bám sát các mốc thời gian để thực hiện đúng tiến độ đề ra.

Một điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2025 là nếu trường ĐH xét học bạ THPT bắt buộc phải sử dụng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Việc này sẽ hạn chế tình trạng các trường xét tuyển sớm, khi năm học chưa kết thúc, tránh làm ảnh hưởng tâm lí thí sinh tham gia tốt nghiệp THPT, tạo sự công bằng trong xét tuyển.

MỚI - NÓNG