Các trường đã công bố phương án tuyển sinh, liệu có phải thay đổi?
Thời gian qua, hơn 10 trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh cho năm 2025.
Sớm nhất, hồi tháng 6, đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố phương hướng tuyển sinh đại học chính quy năm 2025. Theo thông báo này, phương thức tuyển sinh được trường giữ ổn định với 3 phương thức. Trong đó có điều chỉnh chỉ tiêu đối với từng phương thức xét tuyển.
Cụ thể, phương thức xét tuyển thẳng (2% chỉ tiêu như năm 2024).
Phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường (83% chỉ tiêu, tăng 3% so với năm 2024).
Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15% chỉ tiêu, giảm 3% so với năm 2024).
Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường giữ ổn định 3 nhóm tuyển sinh: nhóm 1 các thí sinh có chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (SAT/ACT) là 5% chỉ tiêu.
Nhóm 2 các thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia hoặc có điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội (48% chỉ tiêu, tăng 3% so với năm 2024).
Nhóm 3 các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của môn Toán và 1 môn khác không phải tiếng Anh (30%).
Đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ sử dụng 4 tổ hợp là A00 (Toán, Lí, Hóa), A01 (Toán, Lí, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh) thay vì 9 tổ hợp như năm 2024.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ GD&ĐT đã có những điểm mới được đưa ra tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Trong đó, những vấn đề được quan tâm nhiều nhất gồm việc “siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh và quy định về “thang điểm chung” trong xét tuyển (cách thức quy đổi điểm xét đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo phải bảo đảm mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa, đồng thời không thí sinh nào có điểm xét vượt quá mức điểm tối đa (tính cả các điểm ưu tiên, điểm thưởng, điểm khuyến khích) và phải quy về thang điểm chung).
TS Lê Anh Đức - Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo (ĐH Kinh tế Quốc dân) nêu quan điểm, dự thảo cũng có điểm thay đổi tác động lớn tới số thí sinh dự định xét tuyển sớm, gây tâm lý bất ngờ, lo lắng cho các em.
TS Đức cho rằng, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, phân tích sâu hơn nữa để đánh giá tác động của chính sách trước khi đưa ra quyết định chính thức. Và cần sớm công bố để các cơ sở đào tạo xây dựng/điều chỉnh phương án tuyển sinh sớm công bố để thí sinh chủ động trong việc học tập, thi cử.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông (trường Đại học Công Thương TPHCM) cho hay, mùa tuyển sinh năm 2025 trường vẫn giữ nguyên các phương thức xét tuyển với 5 phương thức.
Cụ thể, trường xét tuyển bằng học bạ THPT cả ba năm cấp 3 và điểm số các tổ hợp môn học là từ 20 điểm trở lên (tối đa 20% chỉ tiêu); xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ; xét tuyển từ điểm ĐGNL chuyên biệt của ĐH Sư phạm TPHCM; xét tuyển từ điểm ĐGNL của ĐHQG TPHCM (tối đa của (2) + (3) + (4) là 20% chỉ tiêu) và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT (tối đa 60% chỉ tiêu).
Tuy nhiên, phương án tuyển sinh năm nay của trường có thay đổi. Theo đó, chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ THPT năm ngoái là 30%, còn năm nay tối đa 20%. Và tăng thêm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là 50% chỉ tiêu (của năm ngoái), còn năm nay tăng lên 60%.
“Mong Bộ GD&ĐT cần sớm công bố quy chế tuyển sinh năm 2025 để các cơ sở đào tạo chủ động xây dựng phương án tuyển sinh sớm công bố để thí sinh, phụ huynh”, ông Sơn nói.
Ban hành Quy chế quá muộn sẽ ảnh hưởng đến thí sinh và công tác xét tuyển
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh (Trường Đại học Thương mại) cho rằng, với các quy định mới Bộ GD&ĐT đề xuất, điều rất quan trọng với các trường là Bộ cần có quyết định ban hành Quy chế chính thức sớm và các giải pháp về mặt kỹ thuật cần được thực hiện, triển khai ngay. Nếu thời gian lấy ý kiến quá dài cũng như ban hành Quy chế quá muộn sẽ ảnh hưởng đến thí sinh và công tác xét tuyển của năm 2025.
Về phương án tuyển sinh của Trường Đại học Thương mại năm 2025, ông Trung cho hay, chỉ tiêu xét tuyển và các phương thức xét tuyển vẫn tương tự như các năm trước, không có biến động nhiều.
Tuy nhiên, ông Trung cho biết, trường sẽ có sự điều chỉnh ở các tổ hợp xét tuyển để phù hợp với quy chế và bổ sung một số tổ hợp để tạo điều kiện cho học sinh.
"Năm nay, trường sẽ công bố đề án tuyển sinh sớm hơn mọi năm. Hiện tại, chúng tôi đang trong giai đoạn chuẩn bị đề án tuyển sinh và sẽ công khai ngay sau khi Quy chế tuyển sinh được ban hành và có hướng dẫn của Bộ", ông Trung thông tin.
Với các thí sinh sẽ tham gia xét tuyển đại học năm 2025, ông Trung khuyên các em không nên quá lo lắng, bởi Thông tư mới của Bộ GD&ĐT đưa ra nhằm mục tiêu hướng đến kỳ tuyển sinh chất lượng hơn và đảm bảo sự công bằng cho các em. Nếu có năng lực thực sự, cơ hội của các em sẽ lớn hơn.
“Thí sinh vẫn nên tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để nâng cao kết quả thi thì cơ hội của các em sẽ lớn hơn. Ngoài ra, nếu còn thời gian và điều kiện, các em có thể cân nhắc tham gia thêm 1-2 phương thức xét tuyển khác để tăng cơ hội trúng tuyển”, ông Trung nói.
Ông Trung cũng cho rằng, về cơ bản, số lượng thí sinh, nguyện vọng và chỉ tiêu các trường không đổi. Vì vậy nếu thí sinh không xét trước thì sẽ xét tuyển sau. Chủ trương của Bộ GD&ĐT là để tìm ra các thí sinh thực sự vượt trội trong đợt trúng tuyển sớm. Các em không trúng tuyển sớm, nhà trường vẫn đảm bảo có thể xét đợt sau.