Tranh chấp, kiện tụng vì giá bồi thường đất
Tại toạ đàm “Góp ý hoàn thiện các vấn đề về nông nghiệp trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)", do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện chính sách và chiến lược phát triển nông thôn tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định, thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013 chỉ ra, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bao gồm hai trường hợp.
Đầu tiên là thu hồi đất vì mục đích công cộng và việc này không tạo ra sự chênh lệch về địa tô khi thay đổi mục đích sử dụng đất như xây dựng cầu, đường giao thông, công viên, trường học,… Thứ hai là thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc, công cộng như thu hồi đất nông nghiệp xây dựng khu đô thị mới, dân cư nông thôn mới,… trường hợp này tạo sự chênh lệch về địa tô, do có sự thay đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở hoặc đất phi nông nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nhấn mạnh, với trường hợp thứ 2 thường phát sinh tranh chấp, kiện tụng về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư kéo dài do người bị thu hồi đất không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Bởi những người này cho rằng giá bồi thường thấp hơn giá đất thực tế trên thị trường. Trong khi đó, việc thu hồi đất tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm do doanh nghiệp, chủ đầu tư muốn được nhận đất để thực hiện các dự án nhằm hưởng sự chênh lệch về địa tô do việc thay đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang sử dụng đất vào các mục đích khác.
Chuyên gia cho rằng, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải giải thích rõ khái niệm “thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. (Ảnh minh họa) |
Do đó, ông Tuyến cho rằng, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải giải thích rõ khái niệm “thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Vì nếu không thống nhất về khái niệm này giữa các địa phương hoặc giữa các cán bộ làm nhiệm vụ quản lý đất đai, sẽ dẫn đến áp dụng tuỳ tiện, chưa thống nhất, tiềm ẩn tiêu cực, gây ra sự thiếu minh bạch.
Quy định rõ trường hợp đền bù theo giá nhà nước và theo giá thị trường
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra những bất cập tại Luật Đất đai năm 2013, nhưng vẫn được đưa vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Cụ thể, Điều 67 quy định về "Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" vẫn bao gồm dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại. Và nếu quy định này chính thức được Quốc hội thông qua thì tỉ lệ tranh chấp, kiện tụng về việc bồi thường giá đất dự báo vẫn tiếp tục tăng cao.
Trong đó, GS. TSKH Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cách quy định như trên không làm rõ được nội hàm của các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia và công cộng, bởi lợi ích của quốc gia, công cộng thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.
Vì thế, Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định nội hàm của các dự án phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và giao cho Chính phủ quy định các loại dự án cụ thể sao cho phù hợp với trọng tâm của từng giai đoạn phát triển.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai Đại học Luật khi góp ý tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức đã chỉ ra, không thể thu hồi đất của tất cả người dân bằng mệnh lệnh hành chính mà cần có sự tách bạch rõ ràng từ mục đích sử dụng đất.
Trong đó quy định rõ ràng, là dự án nào thực sự vì mục đích công cộng, vì quốc phòng an ninh thì Nhà nước phải thu hồi bằng cơ chế hành chính. Còn đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ về mặt tài chính thì việc thu hồi cần thỏa thuận với đối tượng bị thu hồi đất theo cơ chế thị trường, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân...