Du lịch và lữ hành đóng góp mạnh tăng trưởng thương mại Việt Nam

TPO - “Du lịch và lữ hành được kỳ vọng đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng thương mại dịch vụ của Việt Nam, đóng góp 65% vào tổng tăng trưởng xuất khẩu của quốc gia trong năm 2016-2020 và 66% trong năm 2021-2030” - theo Dự báo Thương mại Toàn cầu của HSBC.

Báo cáo mới nhất của Khối Dịch vụ Tài chính Doanh nghiệp HSBC vừa phát đi ngày 22/12 cho biết, trong khi giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn cầu có xu hướng giảm 3% trong năm 2016, sản lượng giao thương của mảng dịch vụ như du lịch, ngân hàng, xây dựng và phát triển phần mềm lại tăng 1%,.

“Nếu chính phủ các nước không đặt ra thêm trở ngại mới nào cho thương mại, giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn cầu được kỳ vọng sẽ khôi phục dần và đạt mức tăng 3% trong năm 2017 và 6% mỗi năm đến năm 2030. Trong khi đó, dịch vụ sẽ đạt mức tăng trưởng binh quân hàng năm 7% đóng góp 12.400 tỉ đô la Mỹ vào sản lượng thương mại toàn cầu năm 2030, tăng từ mức 4.900 tỉ đô la Mỹ năm nay”, nhóm phân tích lưu ý. 

Đối với Việt Nam, mặc dù thương mại hàng hóa Việt Nam chiếm ưu thế so với thương mại dịch vụ, tăng trưởng thương mại dịch vụ lại có tiềm năng phát triển đáng kể. Thương mại dịch vụ tại Việt Nam tập trung vào lĩnh vực dịch vụ du lịch và lữ hành. Với vị trí địa lý thuận lợi, nhiều điểm du lịch thu hút và chi phí tương đối thấp, Việt Nam trở thành điểm đến ưa chuộng của nhiều du khách.

Xuất khẩu dịch vụ quan trọng kế tiếp của Việt Nam sau du lịch là dịch vụ vận tải, là lĩnh vực gắn liền với du lịch và thương mại hàng hóa.Xuất khẩu của một số lĩnh vực cụ thể như hậu cần, vận chuyển, và bảo hiểm… được hưởng lợi khi thương mại sản xuất được đẩy mạnh.

Natalie Blyth, Giám đốc Toàn cầu Dịch vụ Thanh toán Quốc tế và Tài trợ Thương mại, HSBC, cho biết: “Chúng ta có thể thấy sự tiến bộ về mặt công nghệ, chi tiêu của người tiêu dùng tăng, chi phí du lịch giảm là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của mảng dịch vụ mặc dù những yếu tố như giá cả hàng hóa bất ổn và đầu tư giảm làm ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại hàng hóa.”

Nếu các rào cản mới về thuế quan và phi thuế quan được áp dụng, do ảnh hưởng từ thay đổi chính sách thương mại của Mỹ do Donald Trump đề ra hay do “hard Brexit” tại Anh, giá trị thương mại của hàng hóa và dịch vụ năm 2030 có thể giảm 3% ở mức 48.800 tỉ đô la Mỹ so với con số dự báo hiện tại là 50.000 tỉ đô la Mỹ. Thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ đạt 37.000 tỉ đô la Mỹ đến năm 2030, theo bản dự báo, tương ứng 75% tổng giá trị thương mại.

MỚI - NÓNG