Du lịch bừng tỉnh sau cơn choáng váng Covid - 19

Đảm bảo an toàn cho khách tới các điểm du lịch trong mùa dịch Ảnh: KỲ SƠN
Đảm bảo an toàn cho khách tới các điểm du lịch trong mùa dịch Ảnh: KỲ SƠN
TP - Chỉ trong vài ngày diễn biến dịch thay đổi khó lường khiến các giải pháp giải cứu du lịch cũng phải xoay trục. 

Diễn biến mới

Giữa tháng 2, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một số kiến nghị với Chính phủ về hỗ trợ ngành du lịch vượt qua nạn dịch Covid-19. Thư kiến nghị nêu ra các kịch bản, 10 giải pháp để giải cứu du lịch trong và sau khi dịch bệnh kết thúc. Tuy nhiên, ông Hoàng Nhân Chính, Thư ký TAB nói với PV Tiền Phong rằng tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh và phức tạp trong mấy ngày qua, nhiều giải pháp cũng cần xem xét lại và điều chỉnh.

“Chúng tôi cũng bị choáng váng quá. Mới cuối tuần vừa rồi chúng tôi nhận được tin Hội chợ Du lịch Quốc tế ITB tại Đức bị dừng tổ chức, chỉ cách thời điểm chúng tôi bay sang hai ngày. Chúng tôi mất hàng tỷ đồng thi công gian hàng, phải bỏ dở. Đó là chuyện bất khả kháng, bởi dịch không chỉ còn ở phạm vi một nước mà nâng lên quy mô quốc tế. Từ chuyện này nhìn sang các công ty lữ hành mới thấy họ cũng ở trong tình trạng choáng váng. Mới chỉ hai, ba ngày trước chúng tôi còn khá lạc quan vì nghĩ giữ được thị trường châu Âu để kéo lại lượng khách giảm từ thị trường gần như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản”, ông Hoàng Nhân Chính nói.

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 2 giảm mạnh, theo Tổng cục Thống kê giảm khoảng gần 38% so với tháng trước và giảm khoảng 22% so với cùng kỳ năm trước. Khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore giảm sâu do dịch bệnh. Không riêng thị trường châu Á, khách đến từ Mỹ, Úc cũng giảm. Đây là thời kỳ khách đến Việt Nam thấp nhất giai đoạn 2016-2020. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam theo dự đoán tiếp tục suy giảm. “Hai tuần trước chúng tôi khảo sát khách đến từ Anh, Pháp còn tốt và tăng trưởng nhưng với diễn biến dịch bệnh mới không thể đoán trước điều gì”, ông Hoàng Nhân Chính nói.

Hiệp hội Du lịch triển khai Liên minh kích cầu du lịch nội địa, trước mắt nhắm vào thị trường khách nội địa. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel cho biết các doanh nghiệp cũng đang vướng. “Khách gọi điện nhiều, nhưng thực tế cung cầu không gặp nhau. Hiện nay ngành hàng không đưa ra thời điểm còn nhiều vé giá rẻ sau 15/3 đến hết tháng 4. Khách cần đi ngay lập tức nhưng nếu đi ngay khó có giá vé quá rẻ. Hơn nữa, khách nhiều khi mong muốn kích cầu giảm 60-70%, nên mức giảm 30-40% vẫn chưa khiến họ hài lòng”, ông Đạt nói.

Hành động

Hội đồng tư vấn du lịch vạch ra bốn kịch bản, ba giai đoạn từ chống dịch đến khi toàn cầu hết dịch để đưa ra kiến nghị giải cứu. Trong 10 kiến nghị, có những biện pháp có thể thực hiện ngay: Biên soạn tài liệu nêu kinh nghiệm tốt để khách sạn, hãng hàng không, sân bay, ga tàu hỏa, bến xe bảo vệ nhân viên, du khách và cộng đồng khi dịch bệnh bùng phát cao điểm. Hội đồng đề xuất Chính phủ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư của Chính phủ về phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ tăng trưởng trong tương lai, bao gồm cả sân bay, đường cao tốc.

“Khuyến khích chính quyền các tỉnh có các điểm đến quan trọng nâng cao và duy trì ở mức cao các tiêu chuẩn vệ sinh và hành vi thân thiện giữa người dân địa phương và khách du lịch, tránh phân biệt đối xử dưới mọi hình thức và với bất kỳ nhóm người nào. Nguyên tắc này cần phải duy trì ngay cả khi dịch bệnh được ngăn chặn toàn cầu”, đại diện TAB nêu.

Hội đồng tư vấn du lịch cũng khảo sát và ghi nhận nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ lao đao, sắp không chịu nổi đòn của dịch Covid-19. Không ít doanh nghiệp du lịch, hàng không khó khăn thậm chí doanh nghiệp lớn phải cắt giảm nhân viên, cho nhân viên nghỉ luân phiên hoặc giảm lương. Một số giải pháp về giảm thuế giá trị gia tăng du lịch, cho phép nộp thuế chậm... cũng được nhắc đến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bớt khó khăn.

“Nếu chỉ đứng để kêu gọi tôi thấy cũng không hợp lý, bởi Chính phủ cũng căng mình giúp toàn ngành kinh tế, cho nên chúng ta phải nghĩ công bằng từ hai phía. Ngành du lịch cần có biện pháp để phục hồi”, ông Hoàng Nhân Chính nói. Trước diễn biến phức tạp, ngành du lịch chọn kích cầu du lịch nội địa là việc làm cần thiết, hiệu quả. Thực hiện điều này theo đánh giá của các chuyên gia du lịch nhằm giải cứu cả du lịch lẫn hàng không, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống đi kèm.

Du lịch bừng tỉnh sau cơn choáng váng Covid - 19 ảnh 1

Du khách được phát khẩu trang ở khu vực hồ Con Rùa (Quận 3, TPHCM)
 Ảnh: Lao động Thủ đô

Hiện nay khách có nhu cầu rất cao đi một số điểm như Phú Quốc, Quy Nhơn. Đại diện một số doanh nghiệp du lịch lớn phản ánh, tâm lý người dân vẫn e ngại việc mua tua đoàn. “Thời điểm này chúng tôi đẩy mạnh và tập trung bán combo giá máy bay, khách sạn phù hợp nhu cầu của khách trong thời điểm dịch bệnh”, ông Nguyễn Tiến Đạt nói. Các chuyên gia phân tích, trong giai đoạn dịch bệnh, ngoài điểm đến an toàn, du khách có thể phân chia điểm du lịch trong nhà và ngoài trời. Điểm du lịch ngoài trời thường an toàn cao hơn điểm du lịch trong nhà, hang động.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.