Đủ chiêu bịt mắt, cắt nguồn để vô hiệu hóa camera trên xe khách, xe tải

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Camera giám sát hành trình là thiết bị bắt buộc lắp đặt để phục vụ công tác quản lý cho doanh nghiệp và nhà nước, nâng cao an ninh, an toàn cho xe khách và xe tải hạng nặng. Tuy nhiên, nhiều chủ xe, lái xe không lắp đặt hoặc có lắp nhưng dùng vải, khẩu trang… để bịt camera. Thậm chí, có trường hợp còn ngắt hẳn dây nguồn ra khỏi thiết bị.

Mới đây, tài khoản Facebook “T.L.D…” vừa đăng nhiều hình ảnh camera lắp trong xe khách được bịt, cột thắt bằng các khẩu trang y tế để ngăn camera ghi và truyền hình ảnh về trung tâm xử lý hình ảnh của cơ quan quản lý. Ngay dưới phần bình luận, nhiều lái xe khác cũng "theo chân" tài khoản này bình luận về cách "lách luật" và đăng các hình ảnh camera được lắp trên xe bị bịt lại bằng giấy, băng dán.

Đủ chiêu bịt mắt, cắt nguồn để vô hiệu hóa camera trên xe khách, xe tải ảnh 1

Lái xe lên mạng "khoe" cách bịt mắt camera hành trình để đối phó với lực lượng chức năng.

Ngoài tài khoản Facebook nêu trên, trong các hội nhóm của lái xe cũng có nhiều tài xế khác đăng bài, chỉ cho nhau cách đối phó bằng cách che, bịt kín mắt camera hành trình bằng bìa các tông, băng dán tối màu, lắp công tắc nguồn “khi nào kiểm tra thì bật” hoặc tháo luôn dây nguồn.

Không chỉ trên mạng xã hội, khoảng 11h30, ngày 1/4, trên QL 1A, đoạn qua TP Bắc Ninh, Bắc Ninh, tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, phát hiện xe container BKS: 51C - 668.03 kéo theo rơ moóc 51R-139.92 có dấu hiệu chưa lắp đặt camera giám sát hành trình.

Khi được hỏi vị trí lắp đặt camera giám sát hành trình trên xe, tài xế lấy từ cốp đựng đồ ra một chiếc camera rồi gắn lên kính chắn gió phía trước xe mà không hề có dây nối vào nguồn. Tài xế này chống chế: Camera được lắp đầy đủ nhưng vừa mới rơi ra; dây cung cấp nguồn điện cho camera lại quá lòng thòng, vướng víu nên gỡ ra và cất đi để tìm hiệu sửa chữa lắp đặt lại.

Lý do các lái xe đưa ra để chống chế chưa lắp camera hoặc có lắp nhưng vô hiệu hóa là dữ liệu hình ảnh từ camera chưa được Tổng cục Đường bộ Việt Nam sử dụng và chưa bị kiểm tra, xử phạt.

Đủ chiêu bịt mắt, cắt nguồn để vô hiệu hóa camera trên xe khách, xe tải ảnh 2

Giao diện trung tâm xử lý dữ liệu camera cho thấy nhiều lỗi vi phạm như không thắt dây an toàn, nghe điện thoại... sẽ được kiểm soát, xử lý

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, sẽ tiếp tục có văn bản nhắc nhở các doanh nghiệp không lắp hoặc lắp nhưng không truyền dẫn dữ liệu. Còn khi xe ra đường, không lắp hoặc lắp nhưng không hoạt động, lực lượng CSGT có thẩm quyền xử lý.

Về hệ thống xử lý dữ liệu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có công văn xin ý kiến Bộ GTVT đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Theo Tổng cục Đường bộ, đến nay, Hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên ô tô kinh doanh ô tô vận tải của Tổng cục ĐBVN cơ bản đã hoàn thành. Tổng cục cũng đã cấp tài khoản để các Sở GTVT kiểm tra kiểm soát và đang tổ chức tập huấn sử dụng.

Không lắp đặt camera hoặc lắp đặt nhưng không hoạt động bị xử phạt như nhau


Để phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo, an ninh an toàn cho hoạt động vận tải, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2020 Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, Nghị định yêu cầu lắp đặt camera ghi lại hình ảnh trên xe đối với xe khách trên 9 chỗ và xe công – ten – nơ, xe đầu kéo.

Sau ngày 31/12/2021, các phương tiện bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình nhưng vi phạm sẽ phải chịu xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).

Trong đó, phạt tiền từ 5 – 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 đến 12 triệu đồng đối với tổ chức nếu sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera, có lắp nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông; không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.