Dự án tái tạo nguồn lợi thủy sản trị giá 170 tỷ tại TT-Huế ‘lỗi hẹn’ đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chậm tiến độ kéo dài rồi xin gia hạn do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), với trị giá 170 tỷ đồng, đến nay đã bước sang năm thứ 5, nhưng vẫn chưa thể triển khai trên thực địa, tiếp tục “lỗi hẹn”.

Cách đây 8 năm, sự cố môi trường biển xảy ra tại miền Trung đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ động, thực vật biển của nhiều địa phương của khu vực, trong đó có tỉnh TT-Huế. Đáng chú ý là nhiều rạn san hô đã bị chết, suy thoái mạnh, cần được tái tạo, phục hồi khẩn cấp.

Đến năm 2019, từ nguồn vốn khắc phục sự cố môi trường biển theo bồi thường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh TT-Huế được phê duyệt triển khai, do Sở NN&PTNT tỉnh này làm chủ đầu tư.

Dự án tái tạo nguồn lợi thủy sản trị giá 170 tỷ tại TT-Huế ‘lỗi hẹn’ đến bao giờ? ảnh 1

Vùng biển Lăng Cô - nơi triển khai phục hồi, tái tạo các rạn san hô.

Dự án dự kiến kết thúc, hoàn thành và đưa vào vận hành vào cuối năm 2022, sau đó lại được gia hạn thực hiện trong năm 2023. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn còn trong giai đoạn chuẩn bị các thủ tục đầu tư, sắp tổ chức mời thầu xây lắp để triển khai thi công trên thực địa và hoàn thành trong năm 2024.

Theo Sở NN&PTNT TT-Huế, dự án có tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng, gồm 2 hợp phần là thả rạn nhân tạo (với tổng mức 150 tỷ đồng) và trồng, phục hồi rạn san hô (với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng).

Trong quá trình triển khai, với lý do đây là dự án có tính đặc thù, lần đầu tiên được thực hiện trên địa bàn tỉnh TT-Huế, với các định mức kinh tế phải xây dựng chưa có trong tiền lệ, nên gặp khó khăn về công tác thẩm định, phê duyệt dự toán để tổ chức thực hiện.

Từ đó, dự án bị chậm tiến độ kéo dài. Mặt khác, đối với hợp phần phục hồi rạn san hô, do không thể chủ động về nguồn giống san hô, nên phải điều chỉnh tổng diện tích phục hồi rạn san hô tự nhiên và phạm vi diện tích thả cụm rạn nhân tạo.

Cụ thể, hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô, vị trí được chọn triển khai là vùng biển Sụng Rong Câu, Bãi Chuối, thuộc khu vực Sơn Chà - Hải Vân, vùng biển ven bờ thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc), với diện tích ban đầu từ 16 - 18ha. Tuy nhiên, qua rà soát, tính toán từ điều kiện thực tế, số diện tích thực hiện được điều chỉnh giảm mạnh, chỉ còn khoảng 4ha. Trong đó, khu vực bãi Sụng Rong Câu khoảng 1,5ha; khu vực Bãi Chuối khoảng 2,5ha.

Trong khi đó, hợp phần thả rạn nhân tạo được Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện với diện tích 3km2 (ban đầu là 2km2), độ phủ nền đáy rạn khoảng 1% đến 1,5%.

Dự án tái tạo nguồn lợi thủy sản trị giá 170 tỷ tại TT-Huế ‘lỗi hẹn’ đến bao giờ? ảnh 2

Vùng biển phía bắc huyện Phú Lộc sẽ được khoanh vùng để thả chìm hàng nghìn cục rạn nhân tạo làm nơi trú ngụ, sinh trưởng cho các loài thủy sinh vùng biển. Ảnh: T.L

Khu vực thả rạn nhân tạo cách bờ biển xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc khoảng 9 km, ở độ sâu trung bình từ 22-24m. Hợp phần này sẽ thả 114 cụm rạn, với 2.850 cục rạn nhân tạo đúc bằng bê tông cốt thép, kéo dài 2km. Mỗi cụm rạn san hô được thả cách nhau 220m, trong đó vị trí ngoài các cụm sẽ thả 2.350 cục rạn hình lập phương rỗng, còn bên trong cụm thả rạn hình bán cầu nhằm tạo chỗ trú ngụ, sinh trưởng cho các loài thủy sinh vùng biển.

Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế cho biết, đến nay hợp phần thả chìm rạn nhân tạo đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, sắp tổ chức mời thầu xây lắp để triển khai thi công vào thời gian tới và hoàn thành trong năm 2024.

Đối với hợp phần trồng, phục hồi, tái tạo rạn san hô, đến nay hồ sơ dự án đã hoàn chỉnh và trình Bộ NN&PTNT xem xét, ban hành xây dựng định mức kinh tế để triển khai.

Theo một cán bộ điều hành dự án, công trình triển khai thực hiện trên vùng biển miền Trung thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh..., nên việc trồng san hô được đơn vị tư vấn đề xuất chỉ thực hiện từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Do đó, việc hoàn thành hợp phần dự án này trong năm 2024 là khó khả thi.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.