Sự cố môi trường biển: 'Đóng thế' ngư dân nhận tiền bồi thường

Vùng nuôi trồng thủy sản xã Phú Xuân từng chịu thiệt hại do sự cố môi trường biển
Vùng nuôi trồng thủy sản xã Phú Xuân từng chịu thiệt hại do sự cố môi trường biển
TP - Nhiều hộ dân huyện Phú Vang (TT-Huế) đã kê khai khống theo kiểu “đóng thế” ngư dân để nhận tiền bồi thường sự cố môi trường biển. Sau khi bị phát hiện, đến nay có hơn 150 trường hợp buộc phải trả lại khoản tiền “kê khống” trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Sinh viên, công nhân thành ngư dân

Năm 2016, cùng với nhiều địa phương ven biển và đầm phá khác của huyện Phú Vang, Phú Xuân là xã chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Trên vùng đầm phá xã này đã xảy ra hiện tượng tôm, cua, cá chết bất thường. Thực hiện hướng dẫn rà soát các đối tượng hỗ trợ thiệt hại, UBND xã Phú Xuân tổ chức nhiều phiên họp với các ban, ngành đoàn thể của xã, các thôn, các chi hội nghề nghiệp nhằm triển khai hướng dẫn quy trình kê khai, thống kê, xác định đối tượng, tổng hợp thiệt hại, thẩm định phê duyệt đối tượng hỗ trợ thiệt hại…

Những trường hợp này đã lợi dụng gia đình có làm nghề nuôi trồng thủy sản nên khi lập danh sách để bồi thường thì nghĩ “đơn giản” cứ đứng tên nhận tiền vì đây là kinh phí của Formosa, chứ không phải ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Vang

Năm 2017, xã Phú Xuân tiến hành công tác chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển cho các đối tượng nghề nghiệp liên quan theo ba đợt, với tổng trị giá gần 18,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi tiến hành chi trả, tại địa phương này đã nảy sinh dư luận có rất nhiều đối tượng nhận tiền bồi thường có các dấu hiệu bất bình thường, vì họ là sinh viên, công nhân, thợ máy, dân buôn bán...

Từ đây, theo chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Phú Vang, Công an huyện đã vào cuộc xác minh, qua đó phát hiện tại địa bàn xã Phú Xuân có nhiều đối tượng dù không nằm trong diện được bồi thường, nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận tiền. Số tiền chi trả cho các đối tượng “nhận khống” là lao động ngư nghiệp lên đến 1,3 tỷ đồng. Tìm hiểu của PV cũng cho thấy, không ít người có tên lao động trực tiếp tại các ao, hồ nuôi tôm cá ở Phú Xuân lại là thợ sửa xe máy, thợ vàng mã, công nhân… Công an huyện Phú Vang cũng điều tra và xác định, nhiều đối tượng mà gia đình có ao hồ nằm trong diện được nhận đền bù đã lợi dụng lập thêm danh sách những người không trực tiếp lao động ngư nghiệp để được nhận tiền phần lớn là sinh viên, công nhân, doanh nghiệp tư nhân, buôn bán… Công an huyện chỉ ra những trường hợp cụ thể là công nhân dù bận làm việc cho các xí nghiệp, nhà xưởng nhưng vẫn có tên nhận tiền bồi thường sự cố môi trường biển như N.T.M.N., N.T.H.T, N.T.Th. Trong khi, theo quy định, việc bồi thường chỉ được áp dụng cho những lao động trực tiếp.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Viết Mạnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Vang, vị này xác nhận, quá trình làm việc với cơ quan chức năng, hơn 100 trường hợp tại xã Phú Xuân đứng tên nhận tiền bồi thường sự cố môi trường biển đã thừa nhận họ không phải là đối tượng được bồi thường. Theo ông Mạnh lý giải, những trường hợp như thế này đã lợi dụng gia đình có làm nghề nuôi trồng thủy sản nên khi lập danh sách để bồi thường thì nghĩ “đơn giản” cứ đứng tên nhận tiền vì đây là kinh phí của Formosa, chứ không phải ngân sách nhà nước.

Thu hồi, xử lý cán bộ vi phạm

Đến nay, qua xác minh, rà soát trực tiếp từng đối tượng có nghi vấn nhằm phục vụ công tác điều tra theo chỉ đạo từ Huyện ủy, UBND huyện, Công an Phú Vang đã xác định tại xã Phú Xuân có 152 trường hợp nhận tiền không đúng đối tượng, với tổng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng. Mỗi trường hợp “kê khống” theo danh sách này đã nhận số tiền 8.730.000 đồng. Từ đó, Công an huyện Phú Vang đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện thành lập các tổ công tác tiếp tục rà soát và đi đến ban hành Quyết định hủy đối tượng và kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển ở xã Phú Xuân đối với 151 trường hợp (do 1 trường hợp hiện đã chết).

Theo khẳng định của đại tá Bùi Hồng Phong, Trưởng Công an huyện Phú Vang, tất cả 151 trường hợp nhận tiền không đúng đối tượng kể trên đều có biên bản làm việc với cơ quan chức năng. Những người nhận tiền này đều khẳng định không phải là đối tượng được nhận bồi thường và họ từng cam kết trả lại số tiền đã nhận. Sau một thời gian vận động, tính đến cuối tháng 11/2018, trong tổng số 151 đối tượng kể trên đã có 43 người nộp đủ với số tiền đã nhận, trị giá hơn 375 triệu đồng, 70 đối tượng đã nộp nhưng chưa đủ theo mức thực nhận trước đây, với số tiền hơn 110 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 38 đối tượng chưa đến nộp lại tiền với tổng giá trị hơn 331 triệu đồng. Tổng số tiền đã chi sai đối tượng hiện cần thu hồi là trên 832 triệu đồng.

Được biết, sau khi xảy ra sai sót kể trên, Thường vụ Huyện ủy Phú Vang đã có các hình thức xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm trong thực hiện chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển tại xã Phú Xuân. Trong đó, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân hiện bị điều chuyển sang vị trí công tác khác, một số cá nhân liên quan cũng đã bị xử lý kỷ luật.

MỚI - NÓNG