Tỉnh Quảng Trị hiện còn hơn 700 tấn hải sản của 16 cơ sở thu mua, chế biến bị tồn kho chưa được bồi thường để tiêu hủy (Trong ảnh: Hải sản đang tồn kho tại Cơ sở thu mua và chế biến của bà Lê Thị Thuộc ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh). Ảnh: H.T.
Đến ngày 9/10, tỉnh Quảng Trị đã chi trả hơn 934 tỷ đồng do T.Ư hỗ trợ bồi thường sự cố môi trường biển. Song qua đợt rà soát mới đây lại phát sinh nhiều đối tượng cần xem xét bồi thường với kinh phí khoảng 150 tỷ đồng nữa. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị có thêm gần 1.300 lao động biển làm thuê, mất thu nhập trong thời gian xảy ra sự cố môi trường biển với số tiền cần hỗ trợ 16,5 tỷ đồng; hơn 700 tấn hải sản của 16 cơ sở thu mua, chế biến bị tồn kho chưa được bồi thường.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị Võ Văn Hưng: “Bộ NN-PTNT có công văn, trong đó tiếp tục rà soát lại đối tượng, nếu có và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các đối tượng để tiếp tục đền bù. Sở đang tập trung, đặc biệt là chính quyền 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng có hội đồng để thẩm định đối tượng được đền bù và không mở rộng đối tượng”.
Nguyên nhân do chi trả tiền bồi thường cho các đối tượng ảnh hưởng sự cố môi trường biển gặp trở ngại và kéo dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng cho hay, do một số người dân đi làm ăn xa chưa về, lại không có giấy ủy quyền để nhận tiền bồi thường; một số nơi, danh sách đối tượng được đền bù còn trong thời gian niêm yết công khai để lấy ý kiến người dân. Mặt khác, nhiều đối tượng khiếu kiện, khiếu nại yêu cầu được chi trả bồi thường nhưng không nằm trong qui định của Chính phủ, chính quyền địa phương phải mất nhiều thời gian để giải thích.
“UBND tỉnh đang yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung đối tượng bị ảnh hưởng theo đúng qui định; kiên quyết loại khỏi danh sách những trường hợp không đủ điều kiện. Rà soát lại một số đối tượng nằm trong nhóm được kê khai đền bù song thủ tục chưa đảm bảo hỗ trợ hướng dẫn cho người dân kê khai đảm bảo đúng qui định. Một số đối tượng đang còn thắc mắc, khiếu nại lẫn nhau, cho nên dừng việc chi trả, dẫn đến chậm trễ thì phải tổ chức đối thoại, tham vấn cộng đồng rộng rãi để quyết tâm chi trả dứt điểm”, ông Đồng nói.