Dự án sân bay Long Thành: Làm, nhưng tiền ở đâu?

Phối cảnh dự án sân bay quốc tế Long Thành. Nguồn: vn economy.
Phối cảnh dự án sân bay quốc tế Long Thành. Nguồn: vn economy.
TP - Thảo luận tại hội trường ngày 14/11, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, nhưng còn nhiều băn khoăn về nguồn vốn đầu tư.

Nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng, nhìn ở tầm chiến lược và dài hạn, việc đầu tư sân bay Long Thành (Đồng Nai) là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, theo kịp các nước trong khu vực. Đồng thời, vị trí của Long Thành (LT) thuận lợi về nhiều mặt để xây dựng dự án. Qua thảo luận, có luồng ý kiến cho rằng xây dựng sân bay LT lúc này là cấp thiết nhưng luồng ý kiến khác khẳng định tuy chủ trương xây dựng sân bay là đúng, nhưng chưa cấp thiết.

Băn khoăn - nhưng không thể không làm

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhấn mạnh, dự án sân bay LT vừa cần thiết vừa cấp thiết. Một đất nước hơn 90 triệu dân, đang trên đà phát triển, hội nhập sâu với khu vực, thế giới, không thể không có sân bay lớn tầm cỡ quốc tế. Đây là một dự án mang tính chiến lược, tạo cú hích mạnh mẽ phát triển cho ngành hàng không.

Hơn nữa, Long Thành ở vị trí trung tâm sẽ phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống hạ tầng giao thông mới được đầu tư xây dựng, kết nối đồng bộ với một số tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành, kết nối sông Đồng Nai, cảng biển Vũng Tàu và sắp tới là dự án đường sắt đô thị và cả đường sắt quốc gia. Dự án sẽ tạo động lực lan tỏa phát triển vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ, vùng lõi kinh tế của TPHCM, ông Thường nói.

Theo ĐB Thường, hàng không quốc tế đang bùng nổ, hàng không châu Á và Việt Nam đang tăng trưởng liên tục 2 con số. Sắp tới mở cửa bầu trời ASEAN, nếu không có cảng trung chuyển thì Việt Nam sẽ bị phụ thuộc, ảnh hưởng vị thế và khả năng phát triển. Sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) ở TPHCM trong vài năm tới sẽ trở nên quá tải. Nếu mở rộng sân bay TSN, sẽ phải làm mới lại hệ thống hạ tầng giao thông trong đô thị để phục vụ sân bay hay quy hoạch cấu trúc đô thị ở TPHCM và đặc biệt là phải giải quyết bài toán hóc búa là di dời, đền bù. Đây là việc khó và bất khả thi, ĐB Thường nói.

“Việc xây dựng sân bay LT là cần thiết và cấp thiết. Nhưng tại sao khi đặt vấn đề lại tạo ra tâm lý băn khoăn trong dư luận, nhân dân và nhiều ĐBQH? Điều lo lắng đó là có căn cứ vì đâu đó vẫn còn vết gợn như dùng đất trống cạnh sân bay TSN để làm sân golf. Đó cũng là món nợ của quốc gia hay thực tế quản lý chưa hiệu quả đầu tư công, tình trạng tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực này chưa được ngăn chặn.

Chất lượng dịch vụ hàng không của hai sân bay lớn nhất đất nước cũng là vấn đề mà Bộ trưởng GT VT đang phải xắn tay vào giải quyết. Tuy nhiên, không thể vì những điều đó mà chúng ta không đầu tư và không đầu tư thì chúng ta sẽ không phát triển được”, ĐB Thường phát biểu.

“Chủ trương phải làm là cần thiết, nhưng đã cấp thiết chưa là vấn đề cần phải làm rõ tại
đề án”

ĐB Trần Du Lịch

Theo ĐB Thường, sân bay LT là dự án quan trọng, nên cần có cách tiếp cận riêng, đề nghị QH xem xét thông qua chủ trương đầu tư chung và giao Chính phủ tổ chức lập dự án khả thi trình QH xem xét quyết định tại các kỳ họp tiếp theo; hoặc thận trọng hơn thì QH chấp thuận về ý tưởng đầu tư.

“Chính phủ sẽ triển khai cụ thể hóa ý tưởng đó thành chủ trương đầu tư, thành đề bài lựa chọn đầu tư thật chính xác, đồng thời hoàn thiện báo cáo tiền khả thi có kèm theo phương án cân đối vốn khả thi cho dự án trình QH phê duyệt”, ông Thường kiến nghị.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhấn mạnh, xây dựng sân bay LT là cần thiết và nên bắt đầu sớm vì cần ít nhất 8-10 năm để thực hiện dự án, nếu chậm trễ sẽ mất cơ hội.

Dự án sân bay Long Thành: Làm, nhưng tiền ở đâu? ảnh 1 Mô hình sân bay quốc tế Long Thành.

Phải làm rõ tính khả thi và vốn

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nói, làm hay không làm dự án này là quyết định rất khó khăn đối với các ĐBQH. Bởi làm mà không hiệu quả thì không nên làm, còn nếu không làm thì phải giải quyết vấn đề quá tải sân bay hiện nay và trong tương lai ra sao.

“Chủ trương phải làm là cần thiết, nhưng đã cấp thiết chưa là vấn đề cần phải làm rõ tại đề án”, ông Lịch nói. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, nếu dự án làm bằng vốn ngân sách thì sẽ rất khó khăn. Chính phủ cần có giải pháp tìm nguồn đầu tư và Bộ GTVT cần tiếp tục giải trình làm rõ băn khoăn của đại biểu, hạn chế vốn ngân sách.

ĐB Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, bài toán khó nhất là tìm kiếm nguồn vốn, cần cân nhắc kỹ hơn về lựa chọn đầu tư và phân kỳ đầu tư để giảm phát đầu tư, tăng hiệu quả đầu tư và sinh lời vốn. Đồng thời, cần chuẩn bị kỹ phương án khai thác sân bay LT. Dự án thuyết minh đưa ra viễn cảnh tăng trưởng khách nội địa, kết quả phát triển sản lượng để khẳng định sự thuận lợi là chưa thuyết phục.

“Chưa thể khẳng định nhờ vào lợi thế cạnh tranh nào rõ hơn mà sân bay LT có thể lấy khách của các sân bay quốc tế khác. Cần làm rõ hơn vai trò chiến lược của dự án sân bay LT trong phát triển ngành hàng không dân dụng, công nghiệp hàng không và phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ”, ông Thường nói.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, điều quan trọng nhất đối với dự án này chính là vấn đề lòng tin và thông tin. Cho dù thể hiện sự đồng tình, nhưng ngay người dân ở Đồng Nai vẫn còn băn khoăn. Với cung cách làm ăn, cung cách đầu tư như hiện nay thì băn khoăn là đúng.

“Chúng ta đánh giá cao dự án do Bộ GT VT trình, nhưng chúng ta rất cần vai trò đánh giá của các nhà chuyên môn, kể cả chuyên môn trong nước. Phải tranh thủ ý kiến chuyên gia, tổ chức độc lập để thẩm định những mục tiêu mà của đề án nêu ra”, ĐB Quốc phát biểu.

Một số ĐB cũng thể hiện quan ngại kinh phí xây dựng sân bay LT quá lớn, chủ yếu sẽ phải vay nợ bằng nguồn ODA. Trong khi nợ công tăng cao thì điều này rất cần cân nhắc.

Lo ngại nợ công mất an toàn

Nhắc lại ý kiến băn khoăn của Anh hùng Phạm Tuân đối với dự án, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị Chính phủ làm rõ về vấn đề nguồn vốn. Vốn ODA thực chất là Nhà nước cho vay lại, nên phải tính vào nợ công và ngân sách. Thứ hai, tỷ lệ công/tư bao nhiêu, phải làm rõ. Và ĐB này nhắc nhớ hai việc: Năm 2010, Quốc hội bác dự án đường sắt Bắc - Nam; năm 2014, Chính phủ tự mình quyết định rút đăng cai ASIAD. Đấy là những quyết định đúng đắn, được cử tri hoan nghênh.

MỚI - NÓNG