Dự án Luật quản lý Ngoại thương bị chê ôm đồm, không tiến bộ

Đại biểu Vũ Tiến Lộc. Ảnh Như Ý
Đại biểu Vũ Tiến Lộc. Ảnh Như Ý
TPO - “Dự thảo quá ôm đồm ở nhiều nội dung không cần thiết, nhưng những nội dung cần thiết, cốt lõi thì lại được quy định rất chung chung, chẳng có sự tiến bộ gì hơn so với hệ thống pháp luật hiện hành”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá.

Ngày 7/11, thảo luận về dự án Luật quản lý Ngoại thương, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam cho rằng, dự thảo luật quản lý này là điển hình của luật khung, luật ống. “Xem kỹ lại mới thấy, có nhiều vấn đề có thể quy định chi tiết, nhưng dự thảo lại đẩy việc cho Chính phủ. Dự thảo quá ôm đồm ở nhiều nội dung không cần thiết, nhưng những nội dung cần thiết, cốt lõi thì lại được quy định rất chung chung, chẳng có sự tiến bộ gì hơn so với hệ thống pháp luật hiện hành”.

Ông Lộc ví dụ, về các biện pháp cấm xuất, nhập khẩu: Danh mục các biện pháp cấm này kiểu gì cũng phải tuân thủ cam kết WTO (các cam kết khác như TPP, EVFTA hoặc các hiệp định khác thì chỉ áp dụng cho một số thị trường cụ thể) – Vậy tại sao chúng ta lại không quy định luôn trong Luật mà phải chuyển cho Chính phủ? Tương tự với các vấn đề về hạn ngạch, hạn ngạch thuế quan cũng vậy!

Ngoài ra ông Lộc cũng nhìn nhận, dự thảo đã trao quyền quyết định cho Bộ Công thương trong rất nhiều trường hợp nhưng trao quyền mà không kèm theo bất kỳ căn cứ hay tiêu chí nào, rất có thể dẫn tới sự lạm quyền.  

“Dự thảo cũng đẻ ra nhiều loại giấy phép mới, không kèm bất cứ quy định nào về điều kiện để căn cứ cấp giấy phép, mà chỉ duy nhất thẩm quyền, là không minh bạch. Mục tiêu của luật này tôi hiểu là hệ thống hóa quản lý chứ không phải gia tăng thêm tầng nấc quản lý”, đại biểu Lộc băn khoăn.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) thì cho rằng, việc ban hành luật này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Ông Xuyền tỏ ra không đồng tình khi dự thảo không quy định cụ thể các biện pháp tạm ngừng, cấm xuất nhập khẩu hàng hoá, mà lại trao quyền này cho Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương và các bộ, ngành.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị bổ sung thêm quy định về kiểm soát dịch vụ do giá trị gia tăng ngày càng lớn, trong khi cơ chế kiểm soát hiện lỏng lẻo. “Doanh thu phát sinh tại Việt Nam cho dịch vụ phần mềm xuất khẩu qua biên giới khiến chúng ta thất thu khoản thuế không nhỏ. Do đó, rất cần quy định kiểm soát hoạt động dịch vụ tương tự”, ông Nghĩa nêu.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa còn đề nghị lập một Hội đồng quản lý ngoại thương thuộc Chính phủ, tương tự cơ quan FDA (Mỹ), làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý những vấn đề về hoạt động ngoại thương, xuất nhập khẩu hàng hoá…

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.