Như Tiền Phong đã đưa tin, Viện KSND TPHCM đã truy tố ông Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Tân Thuận - IPC) và 6 bị can cùng tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Khu định cư An Phú Tây. Ảnh: SADECO |
Theo cáo trạng, sai phạm của các bị can được thể hiện, sau khi Cty IPC kiến nghị về việc bán nền đất tái định cư tại Khu định cư An Phú Tây, ngày 10/6/2016, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM ký công văn 4802 gửi UBND TPHCM.
Công văn 4802 có đoạn nêu, việc điều chỉnh mục tiêu nhà ở tái định cư thành mục tiêu nhà ở thương mại đối với toàn bộ quỹ nền tái định cư của Cty IPC tại Khu An Phú Tây, theo phương thức giá bán và đối tượng khách hàng phù hợp thị trường trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả vốn nhà nước.
Từ ý kiến của Sở KH&ĐT, ngày 28/6/2016, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TPHCM ký thông báo 334 “Nội dung kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại buổi họp về kế hoạch đầu tư phát triển Khu đô thị Cảng Hiệp Phước”, có nội dung: “... Chấp thuận ý kiến đề xuất của Sở Xây dựng tại cuộc họp của Sở KH&ĐT tại công văn 4802, cho phép Cty IPC được điều chỉnh mục tiêu nhà tái định cư thành mục tiêu nhà ở thương mại đối với toàn bộ quỹ nền và căn hộ của Cty IPC tại khu định cư An Phú Tây...”.
Cáo trạng cũng nêu rằng, sau khi có ý kiến của UBND TPHCM cho phép IPC bán các nền tại Dự án An Phú Tây, ông Tề Trí Dũng đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các thủ tục bán 149/151 nền đất theo 2 đợt vào tháng 8, 9/2016 và tháng 3/2018.
Đáng lưu ý là trong số những nền đất mà Cty IPC chuyển nhượng cho tư nhân, có 50 nền đất mà Kiểm toán Nhà nước khu vực IV từng nhận xét, sau 9 năm giá trị bán lại của các nền đất này chỉ tăng bình quân là 2,23%/năm (đối với 38 nền) và 3,7%/năm đối với 12 nền. Giá này thấp hơn so lãi suất tiền gửi bình quân trong giai đoạn 2009-2018 là 8,79%/năm. Nếu phân bổ cả chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng cho số nền đất đã bán này thì không đạt hiệu quả kinh tế.
Cáo trạng dẫn kết quả điều tra xác định, ông Tề Trí Dũng và các đồng phạm trong vụ án đã không kiểm tra giá bán, không thực hiện việc chuyển nhượng các nền đất theo giá thị trường, mà trực tiếp chuyển nhượng 149 nền đất cho cá nhân, không bảo đảm kết quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, gây thất thoát cho nhà nước.
Bị can Tề Trí Dũng. |
Viện KSND TPHCM ngoài truy tố ông Tề Trí Dũng, còn truy tố 6 bị can khác chung vụ là bà Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Trưởng phòng phát triển kinh doanh IPC), Vũ Xuân Đức (cựu Thành viên HĐTV IPC), Trần Đăng Linh (cựu Phó Tổng giám đốc IPC, Thành viên HĐQT Công ty phát triển Nam Sài Gòn - SADECO), Mai Văn Đường (cựu Chủ tịch HĐTV IPC), Mai Bửu Tâm (cựu chuyên viên Phòng phát triển kinh doanh IPC), Phạm Xuân Trung (cựu Phó Tổng giám đốc IPC).
Nội dung cáo trạng cho biết, IPC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, còn SADECO là công ty con của IPC. Ngày 23/4/2001 thì SADECO được UBND TPHCM giao làm chủ đầu tư dự án khu tái định cư An Phú Tây, có tổng diện tích 47ha để phục vụ tái định cư cho người dân bị giải tỏa xây dựng tuyến đường Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh và cụm đô thị D, E - khu đô thị Nam Sài Gòn.
IPC và SADECO ký hợp đồng, qua đó IPC góp vốn với SADECO để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nhận lại 25.083 m2 đất nền nhà (tổng 151 nền) với đơn giá 6,6 triệu đồng/m2, thành tiền 165 tỷ đồng; 17.932m2 đất xây dựng khu chung cư R1 với đơn giá 2,75 triệu đồng/m2, thành tiền 49 tỷ đồng. Sau đó IPC đã chuyển cho SADECO 208 tỷ đồng, các nền đất đã được cập nhật tên cho IPC và IPC cũng đã bán 149/151 nền đất nêu trên cho 4 cá nhân, thu 186 tỷ đồng. Thiệt hại cho nhà nước là 127 tỷ đồng.