Dự án giao thông 'đội' vốn nghìn tỷ nhưng tiến độ... rùa bò

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hai dự án cao tốc và một dự án cầu ở ĐBSCL đội vốn hàng nghìn tỷ đồng chủ yếu do chi phí giải phóng mặt bằng tăng… Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT đánh giá lại năng lực chủ đầu tư; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác lập, thẩm định, trình duyệt các dự án đầu tư ngành giao thông vận tải…

Đội vốn nghìn tỷ đồng dù chưa khởi công

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (qua địa bàn Đồng Tháp) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2203/QĐ-TTg ngày 27/12/2021; tổng chiều dài hơn 26 km, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 4.770 tỷ đồng. Bộ GTVT đã hoàn thành công tác lập, thẩm định dự án đầu tư.

Tuy nhiên, do tuyến đi qua khu vực địa chất phức tạp, chiều sâu đất yếu lớn, cũng như chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) tăng cao làm vượt tổng mức đầu tư.

Cụ thể, chi phí GPMB tăng khoảng 353 tỷ đồng; chi phí xây dựng tăng khoảng 788 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng khoảng 80 tỷ đồng; chi phí dự phòng tăng khoảng 218 tỷ đồng. Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Dự án giao thông 'đội' vốn nghìn tỷ nhưng tiến độ... rùa bò ảnh 1

Sơ đồ tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (Ảnh: Ban QLDA Mỹ Thuận).

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 24/6/2022, tổng chiều dài hơn 27 km, đi qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, tổng mức đầu tư 5.886 tỷ đồng. Dự án được chia thành 2 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1 có chiều dài 16 km, vốn đầu tư 3.640 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 2 có chiều dài hơn 11 km, vốn 2.246 tỷ đồng, do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản.

Hiện dự án thành phần 1 đã được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt và triển khai các bước kế tiếp. Dự án thành phần 2 đã tổ chức lập, trình thẩm định dự án đầu tư, tuy nhiên, do tuyến đi qua khu vực địa chất phức tạp, chi phí đền bù GPMB tăng cao, làm vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Hiện Bộ GTVT đang phối hợp, hướng dẫn địa phương rà soát, triển khai thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Đánh giá lại năng lực chủ đầu tư

Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến dự án cầu Rạch Miễu 2 (nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre).

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương xem xét, giải quyết các vấn đề phát sinh của dự án theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu vượt thẩm quyền; thực hiện đánh giá năng lực, trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thẩm định trong thời gian qua; thực hiện thanh tra, kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật.

Dự án giao thông 'đội' vốn nghìn tỷ nhưng tiến độ... rùa bò ảnh 2

Thi công dự án cầu Rạch Miễu 2 phía bờ Bến Tre.

Cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền, cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8 km về phía thượng lưu. Dự án có tổng chiều dài khoảng 17,6 km. Trong đó, phần cầu Rạch Miễu dài 1,97 km (cầu chính dây văng dài 0,51km) với quy mô 4 làn xe, rộng 17,5 m; cầu Mỹ Tho dài 0,45 km, quy mô 4 làn xe, rộng 17,5m; phần đường có chiều dài 15,15 km đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng với quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, rộng 20,5 m.

Dự án có điểm đầu tại Ngã tư Đồng Tâm thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Điểm cuối cách mố phía Bắc cầu Hàm Luông khoảng 0,71km thuộc TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Dự án có tổng mức đầu tư 5.175 tỷ đồng, khởi công tháng 3/2021, dự kiến hoàn thành 2025.

Theo Bộ GTVT, công tác GPMB phía Tiền Giang đến nay đạt 46%, phía Bến Tre đạt 83%. Tuy nhiên phạm vi bàn giao mặt bằng không liên tục, ‘xôi đỗ’, gây khó khăn cho công tác tổ chức thi công. Đến tháng 12/2022 mới bàn giao được một phần mặt bằng để đủ điều kiện triển khai thi công các gói thầu phần đường dẫn.

Chi phí GPMB của dự án tại thời điểm hiện tại tăng cao so với thời điểm lập khung chính sách và phê duyệt dự án, làm vượt tổng mức đầu tư, dẫn đến phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên thành 6.358 tỷ đồng (tăng 1.183 tỷ đồng).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác lập, thẩm định, trình duyệt các dự án đầu tư ngành giao thông vận tải theo đúng quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3 tới đây.

MỚI - NÓNG