Dự án đuổi chim nghìn tỷ cho sân bay nên đấu thầu minh bạch

Một tàu bay bị móp do va phải chim tại Sân bay Nội Bài hối tháng 9/ 2015
Một tàu bay bị móp do va phải chim tại Sân bay Nội Bài hối tháng 9/ 2015
TPO - Cục Hàng không vừa tái đề xuất dự án đuổi chim tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Trước ý kiến cho rằng, dự toán, đơn giá quá cao, chuyên gia kinh tế đề nghị nên tiến hành đấu thầu.

Cụ thể, dự án được đề xuất gồm hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường cất-hạ cánh tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất nhằm mục tiêu tự động hóa việc phát hiện vật thể lạ, loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất, hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập.

Tổng mức đầu tư cho dự án được đề xuất là gần 1.000 tỉ đồng, trong đó hệ thống tại Nội Bài là hơn 486 tỉ đồng và Tân Sơn Nhất là gần 510 tỉ đồng.

Cục Hàng không đề xuất Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư hoặc xã hội hoá theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong đó kiến nghị ưu tiên phương án giao ACV làm chủ đầu tư dự án.

Cục Hàng không cho rằng ACV có thể sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp để triển khai dự án hoặc kêu gọi đầu tư và thu xếp hoàn trả dần cho nhà đầu tư.

Về phương án hoàn vốn, theo Cục Hàng không, nhà khai thác bay phải trả tiền cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bằng kinh phí trích từ doanh thu dịch vụ cất, hạ cánh hàng năm để cơ quan này trả cho nhà đầu tư.

Mức kinh phí này được xác định dựa trên tổng mức đầu tư ban đầu, lợi nhuận kỳ vọng (dự kiến 11%/năm) và thời gian khai thác hệ thống (tối thiểu 10 năm).

So với hai lần kiến nghị trước đó, tổng mức đầu tư dự án đã giảm nhẹ và thời gian hoàn vốn kéo dài hơn. Trước đó, dự án này vấp phải sự phản đối khi có tổng mức đầu tới 1.162 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ngay cả với lần đề xuất này, một số chuyên gia hàng không cho biết giá trị đầu tư lớn, so sánh với suất đầu tư của một số nước còn cao.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Cục hàng không và ACV cần công bố rõ hơn nữa phương án lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu để xoá các nghi vấn “đội giá”.

Theo ông Phong, trong mọi trường hợp, để công khai minh bạch nên tiến hành đấu thầu. “Hiện ACV là doanh nghiệp Nhà nước chi phối (chiếm hơn 95% cổ phần - PV) nên khi triển khai dự án cần đấu thầu. Trường hợp ACV kêu gọi nhà đầu tư khác, có coi như dự án BOT giao thông và vẫn cần đấu thầu. Tuy nhiên, “bài thầu” phải được thiết kế để chọn được các đơn vị có công nghệ tiên tiến” – ông Phong đề nghị.

Theo thống kê, từ năm 2014 - 2016, đã có 156 vụ vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, trong đó riêng năm 2016, có tới 20 sự cố xảy ra do chim va và máy bay bị cắt lốp.
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.