Dự án chống ngập TPHCM luôn thiếu vốn

Ngập úng trở thành nỗi ám ảnh kinh niên của người dân TPHCM. Ảnh: Zing
Ngập úng trở thành nỗi ám ảnh kinh niên của người dân TPHCM. Ảnh: Zing
TP - Ngập úng trở thành nỗi ám ảnh kinh niên của người dân TPHCM. Tình trạng này kéo dài có nguyên nhân nguồn vốn từ ngân sách hàng năm chỉ có khả năng thực hiện các dự án nhỏ lẻ, chống ngập cấp bách, tạm thời, không đủ sức triển khai các dự án quy mô lớn, căn cơ.

Xã hội hóa là một trong những chủ trương đúng đắn của lãnh đạo TPHCM nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, huy động các nguồn lực, thành phần kinh tế tham gia cùng nhà nước giải quyết bài toán chống ngập.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (trung tâm chống ngập), khu trung tâm TPHCM rộng 600 km2 cần xây dựng 6.000 km cống mới đủ thoát nước mưa. Ngoài ra, TPHCM cần xây dựng 13 cống ngăn triều để chống ngập do triều cường dọc theo tuyến đê dài 172km ven sông Sài Gòn từ Bến Súc đến Long An, tạo thành vòng cung bảo vệ cho thành phố khỏi triều cường, chống ngập cho các vùng đất thấp.

Tuy nhiên, do thiếu vốn, đến nay, TPHCM mới chỉ làm được được 32 km đê bao và 1 cống ngăn triều (cống ngăn triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè). Tuyến đê đã xây chủ yếu ven bờ tả sông Sài Gòn còn bờ hữu chưa có đê, phải dựa vào bờ bao dân sinh nên hầu như năm nào cũng vỡ, gây thiệt hại cho người dân. Các hạng mục còn lại ngân sách chưa bố trí được vốn, phải chờ các nguồn lực khác cùng tham gia.

Đây là một phần của dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập cho TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng vốn ban đầu là khoảng 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thiếu vốn, chậm triển khai nên dự án đã đội vốn lên gấp 5 lần (khoảng 57.800 tỷ đồng).

Tại cuộc họp HĐND TPHCM mới đây, giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Thành Chung cho biết nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống công trình chống ngập quá lớn, trong khi nguồn ngân sách lại khó khăn. Các nhà đầu tư tư nhân chưa mặn mà tham gia đầu tư, vì lĩnh vực này không mang lại nhiều lợi nhuận, thu hồi vốn lâu nên cần có giải pháp thiết thực hơn để thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư thông qua hình thức PPP (hợp tác công - tư).

Hiện tại TPHCM tập trung các giải pháp duy tu, nạo vét các hệ thống kênh rạch, cống thoát nước, xây dựng bờ bao nhựa PVC… để ngăn triều, tăng năng lực tiêu thoát nước, giảm ngập cho một số khu vực. Dự kiến trong năm 2015, trung tâm chống ngập triển khai khoảng 20 dự án chống ngập để giảm ngập cấp bách cho một số khu vực.

MỚI - NÓNG