Đột quỵ vì tự ý mua thuốc điều trị theo toa cũ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thay vì đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều chỉnh liệu trình sử dụng thuốc, gần 1 năm qua bệnh nhân đã tự ý mua theo toa cũ về uống nên bị đột quỵ, nguy kịch đến tính mạng.

Ngày 4/7, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị đột quỵ. Bệnh nhân là ông L.A.N (69 tuổi, ngụ tại TP Cần Thơ). Gần 1 năm qua, bệnh nhân được chẩn đoán rung nhĩ và được chỉ định điều trị bằng thuốc, tái khám theo lịch hẹn.

Tuy nhiên, do đi lại khó khăn, ông N không đến tái khám mà tự mua thuốc kháng đông để uống theo toa cũ. Buổi sáng trước khi nhập viện, bệnh nhân đang ngồi đọc sách thì đột ngột bị liệt tay phải, giọng nói đớ, được gia đình kịp thời phát hiện và đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Qua khai thác bệnh sử và các kết quả thăm khám, bác sĩ xác định đây là một trường hợp sử dụng thuốc kháng đông không theo dõi đúng cách dẫn đến rung nhĩ gây biến chứng đột quỵ. Người bệnh đối mặt với tình trạng thuyên tắc huyết khối, nguy cơ tử vong cao.

Đột quỵ vì tự ý mua thuốc điều trị theo toa cũ ảnh 1

TS.BS Nguyễn Bá Thắng chăm sóc người bệnh tại Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Ngay lập tức các bác sĩ đã kích hoạt quy trình báo động đột quỵ, thực hiện những biện pháp cấp cứu, hồi sức tích cực. Sau khi thực hiện các thủ thuật chuyên môn, các bác sĩ đã giúp bệnh nhân từng bước vượt qua được tình trạng nguy kịch.

Theo TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược, bệnh rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ tăng cao ở nhóm người lớn tuổi đi kèm cao huyết áp, đái tháo đường, suy tim, đã có các bệnh lý liên quan đến mạch máu, đặc biệt là người bệnh đã từng bị đột quỵ hoặc có những cơn thiếu máu não thoáng qua.

Mục đích sử dụng thuốc kháng đông trên người bệnh rung nhĩ là ngăn ngừa sự hình thành huyết khối trong tim. Do đó, việc dùng thuốc cần được duy trì xuyên suốt thời gian điều trị bệnh và chỉ ngừng khi các yếu tố gây huyết khối ở tim được loại bỏ hoàn toàn (có sự xác nhận của bác sĩ tim mạch).

Phân tích chuyên môn của GS.TS.BS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược chỉ ra, tình trạng tim đập nhanh do rung nhĩ về lâu dài có thể thúc đẩy suy tim tiềm tàng hoặc suy tim tăng nặng. Hậu quả nghiêm trọng nhất chính là hình thành cục máu đông (huyết khối) trong tâm nhĩ, dẫn đến các biến chứng vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là đột quỵ.

Theo GS.TS.BS Trương Quang Bình, người bệnh rung nhĩ khi đã phát triển các biến chứng như suy tim, đột quỵ thì rất khó điều trị dứt điểm. Cách cải thiện tốt nhất chính là chấp nhận sống chung với bệnh và xây dựng kế hoạch phòng ngừa tối đa các biến chứng. Trong đó, sử dụng thuốc kháng đông là phương pháp phổ biến.

Để đạt được hiệu quả tối đa, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị, dùng thuốc theo đúng liều lượng được yêu cầu hàng ngày và tái khám đầy đủ để được bác sĩ theo dõi và điều chỉnh thích hợp. Bên cạnh đó, cần xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, thói quen sinh hoạt lành mạnh để có sức khỏe và chất lượng sống tốt nhất.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.