Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học đã khôi phục thành công hoạt động của các van tim bị đóng băng, mở ra kỷ nguyên của các ngân hàng nội tạng trong thập kỷ tới.
Hiện nay, những bệnh nhân chờ cấy ghép có rất ít cơ hội sống sót do phải phụ thuộc vào quá trình vận chuyển nội tạng vốn chỉ bảo quản được bằng đá trong vòng bốn giờ. Trên thực tế, mỗi năm có đến hai phần ba số lượng tim và phổi cấy ghép trở nên vô dụng.
Nhưng các nhà nghiên cứu tại Đại học Minnesota đã giải quyết được vấn đề này sau khi làm ấm lại các mô và van tim động vật bị đóng băng để bảo quản.
Trưởng nhóm tác giả, Giáo sư John Bischof cho biết: “Đây là lần đầu tiên một thực thể sinh học lớn như van tim được khôi phục nhờ làm ấm lên, qua đó đã chứng minh được quá trình làm ấm thành công, nhanh chóng và đồng bộ các mô đóng băng bằng cách tăng lên hàng trăm độ trong vòng một phút mà không làm hư hại chúng”.
Các nhà khoa học hy vọng rằng kĩ thuật này sẽ được sử dụng để lưu giữ nội tạng con người như thận hoặc tim. Hiện tại ở Anh, có tới 6.500 người đang chờ được cấy ghép nội tạng và mỗi năm khoảng 400 người trong số họ qua đời trong khi chờ đợi.
GS. Bischof nói thêm: “Những kết quả này rất đáng mừng và sẽ mang lại những lợi ích xã hội to lớn nếu một ngày nào đó chúng ta có thể lưu trữ nội tạng để chờ cấy ghép”.
Những kết quả trên có được là nhờ vào ngành nghiên cứu nhiệt siêu lạnh. Đã có nhiều người sau khi chết đã sử dụng công nghệ này để đóng băng cơ thể mình nhằm hy vọng sẽ được hồi sinh bằng các công nghệ của tương lai. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này là không thể đối với trình độ khoa học của con người trong vòng 1 thế kỷ tới và cơ hội hồi sinh họ vẫn còn rất xa vời.
Tuy nhiên, đột phá này lại là một bước tiến quan trọng, nếu được phổ biến rộng rãi thì trong vòng 2 năm tới việc chờ đợi cấy ghép nội tạng sẽ chỉ còn là dĩ vãng.
Công nghệ bảo quản nội tạng sử dụng chất chống đông đã có từ những năm 80 của thế kỉ trước. Trong công nghệ này, người ta làm lạnh nội tạng (ví dụ như thận) và đưa nó về trạng thái tinh thể không bị đóng băng ở trong khoảng nhiệt độ từ -160 đến -196oC.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất lại là việc làm ấm nội tạng; thông thường, việc này sẽ khiến cho các mô bị tổn thường nghiêm trọng và không thể dùng để cấy ghép được nữa.
Các nhà khoa học Hoa Kỳ đã sử dụng các hạt nano oxit sắt mạ silic có tác dụng như những hạt làm ấm cực nhỏ bao quanh các mô, sau đó họ kích hoạt “sóng điện từ không xâm lấn”. Nhờ đó, tốc độ làm ấm có thể đạt tới 100-200oC trong vòng một phút, nhanh hơn từ 10 đến 100 lần so với những phương pháp truyền thống.
Sau khi được làm ấm, các bài kiểm tra cho thấy không có phần mô nào bị tổn thương, điều đó cho thấy phương pháp này vượt trội hơn hẳn phương pháp làm rã đông chậm bằng cách sử dụng nhiệt đối lưu. Các nhà khoa học sau đó cũng đã thành công trong việc rửa sạch các phân tử nano sắt khỏi mẫu nội tạng thí nghiệm.
Các thử nghiệm trên da và cơ của con người sẽ bắt đầu diễn ra trong vòng 18 tháng tới, sau đó công nghệ này có thể sẽ tiếp tục được áp dụng thử nghiệm trên các bộ phận ở mặt và tay.
Nghiên cứu này đã được xuất bản trên tạp chí Science Translational Medicine. Đồng tác giả Kelvin Brockbank cho biết: “Tôi phải nói rằng, trào lưu của những người ủng hộ đóng băng cơ thể có thể sẽ bóp méo vai trò của đột phá này thành bảo quản toàn bộ cơ thể người một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, tôi tin rằng thậm chí nếu chúng ta làm được như vậy thì cơ hội để hồi phục chuỗi thần kinh sau khi bị đóng băng sẽ vẫn còn rất xa vời. Đây mới chính là mấu chốt của vấn đề.
Tôi cũng cho rằng việc đóng băng thành công toàn bộ cơ thể là điều không thể trong vòng 100 năm tới.”
Hiện nay, có hơn 6500 bệnh nhân ở Anh đang phải chờ đợi từng ngày để có nội tạng cấy ghép, và cứ mỗi ngày qua đi thì lại có 3 người trong số họ qua đời vì không thể đợi được lâu hơn.