Đột nhập 'vương quốc' gỗ lậu - Kỳ 3: Tôi đi buôn lậu gỗ

Đột nhập 'vương quốc' gỗ lậu - Kỳ 3: Tôi đi buôn lậu gỗ
TP - Để được tường tận chiêu thức làm ăn của những trùm buôn gỗ lậu và những cán bộ có trách nhiệm bảo vệ rừng ở Hương Lâm, tôi quyết định “bỏ vốn đi buôn” gỗ lậu.

>> Kỳ trước

Đột nhập 'vương quốc' gỗ lậu - Kỳ 3: Tôi đi buôn lậu gỗ ảnh 1
Xe khách được tận dụng chở gỗ lậu

Vào nghề nhờ công an

Trong vai một tay buôn gỗ lậu mới vào nghề, theo giới thiệu của một vài người, tôi tìm gặp người có tên Mai, công an viên và là trưởng trạm kiểm soát lâm sản của xã Hương Lâm. “Trụ sở” của trạm kiểm soát cũng là quán nhậu của gia đình ông Mai, cách khu hành chính của xã Hương Lâm chừng 50m. Ở đây, người ta dựng lên một sào chắn bằng tre và ông Mai làm nhiệm vụ canh gác.

Trong quán, khá đông người đang xúm lại chia nhau một con cá đã được xẻ thịt. Trong đám đông đang chia cá, một người đàn ông chừng trên 50 tuổi đứng lên, đi ra khi vợ anh ta vào gọi có người gặp. Sau khi uống cùng ông Mai, tôi mạnh dạn giới thiệu “thân thế, sự nghiệp” và mong muốn của mình.

Ông Mai vui vẻ nói: “Làm ăn ở đây thì dễ thôi nhưng phải theo “cơ chế”. Tui phụ trách ở đây, thằng Hoàng, con rể tui là trưởng trạm Chúc A (Công ty Dịch vụ Lâm sản Chúc A-PV) và ngoài cùng là trạm của Bộ đội Biên phòng, toàn thuộc sự quản lý của bạn bè cả”. Tôi hỏi “Cơ chế” là sao? “Bình quân 1m3 gỗ qua mỗi trạm là 100 ngàn đồng, trạm của tui thì lấy rẻ hơn. Nếu chưa quen thì tui nói mấy anh ở hai trạm kia cho” – Ông Mai nói.

Đang chuyện trò thì ở ngoài, một người đàn ông mặc sắc phục công an bước vào. Theo giới thiệu, thì người này là Trưởng Công an xã Hương Lâm. Sau khi tìm hiểu danh tính của tôi, uống xong ngụm bia, người đàn ông này quay sang nói với ông Mai: “Ông xem cơ chế thế nào cho bọn công nông, chứ 20 ngàn đồng thì rẻ quá”. Ông Mai vâng, dạ...

Lúc này, tiếng công nông rền vang cả một góc, hàng chục chiếc chở đầy gỗ tiến về gác chắn. Khoảng 4 – 5 người, quần áo lôi thôi nhảy xuống xe, chạy vào quán, chào hỏi qua loa, to nhỏ, ôm vai bá cổ với ông Mai một lúc rồi vội vã đi ra. Cứ thế, những chiếc công nông chở đầy gỗ lần lượt qua sào. Ông Mai giải thích, đây là gỗ của những người trong xã mới vận chuyển về nơi tập kết.

Tỏ ra nhút nhát, tôi bấm ông Mai đứng lên đi ra sau vườn. Ở đây, tôi trình bày là mình đang có hơn 2m3 gỗ khung ngoại muốn đưa ra ngay chiều nay và nhờ ông giúp đỡ, can thiệp giùm 2 trạm phía ngoài. Tôi rút ví lấy 300 ngàn đồng, ông Mai thật thà: “Ở đây, thông thường từng ấy gỗ tôi chỉ lấy 200 nghìn đồng thôi” và rút trả lại 100 ngàn đồng. Lấy cớ là còn làm ăn lâu dài, tôi biếu ông Mai trong ngày đầu làm quen.

Quay lại quán, như lời đề nghị của tôi, ông trạm trưởng lấy máy gọi cho con rể tới (người này có tên là Hoàng, Trưởng trạm kiểm soát lâm sản, Công ty Dịch vụ Lâm sản Chúc A).

Hoàng chừng 35 tuổi, ranh mãnh nhìn tôi từ đầu đến chân, cương quyết không nhận tiền và nói: “Lúc nào gỗ ra thì anh đưa cho mấy thằng trực ngoài trạm”. Ở trạm Biên phòng cũng vậy, người gác ở đây cương quyết không nhận tiền vì chưa thấy mặt gỗ.

Đột nhập 'vương quốc' gỗ lậu - Kỳ 3: Tôi đi buôn lậu gỗ ảnh 2
PV đặt cọc 300.000 đồng trước ông Hùng

Cắn câu

Biết người của hai trạm ngoài đang cảnh giác cao độ, hôm sau, tôi quay lại Hương Lâm, tìm mua lại toàn bộ số gỗ khung ngoại ở một xưởng cưa vừa loại ra, giá 2 triệu đồng, sau đó chất đầy một xe ô tô 12 chỗ ngồi, thuê từ thị trấn Hương Khê vào. Có gỗ trên xe, tôi tự tin tiến về trạm.  

Trong quán, ông Mai và mấy người nữa đang ngồi uống bia. Thấy tôi, ông Mai hồ hởi giới thiệu với mấy người bạn. Qua câu chuyện, được biết đây là nhóm làm ăn của ông trạm trưởng, họ đang bàn chuyện chia tiền lời sau phi vụ làm ăn tối hôm qua. Ông Mai giải thích: “Tối qua, bọn tui đưa ra Hương Khê 10 xe gỗ, hơn 100m3, anh em đang tính toán lời lãi với nhau”.

Thì ra, không chỉ là trưởng trạm kiểm soát của xã, mà ông Mai còn là một trùm buôn lậu gỗ có tiếng ở đây. Nhóm này, chuyên gom gỗ ở Hương Lâm, chở ra một xưởng cưa nằm cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc thị trấn Hương Khê, cưa xẻ, hợp thức hóa giấy tờ rồi chuyển đi nơi khác bán.

Ông Mai cởi mở: “Nếu chú có điều kiện, tìm một nhà ở thị trấn làm kho chứa hàng, tôi sẽ gom gỗ đưa ra tập kết ở đó, còn chú có trách nhiệm đưa về thành phố Hà Tĩnh. Lời lãi anh em chia nhau. Thời buổi ni không buôn lậu khó mà giàu chú à!”. Tôi ậm ừ và đưa tiếp cho ông Mai 200 ngàn đồng, tỏ ý muốn nhờ can thiệp với mấy anh ở trạm ngoài, chứ hôm qua họ không nhận tiền.

“Do bọn hắn thấy chú là người lạ, nên hắn chưa lấy đó thôi. Ở đây sợ nhất là nhà báo, còn các lực lượng khác đến đây, người thì mua gỗ giá rẻ về làm nhà, người thì buôn gỗ cả thôi” – ông Mai phân bua.

Chỉ sau cú điện thoại của bố vợ, chừng 5 phút sau, con rể chạy sang chỗ chúng tôi. Nhìn thấy có xe gỗ, anh này không ngần ngại cầm 300 ngàn đồng từ tay tôi ngay tại bàn nhậu, trước mặt mọi người, rồi rút máy gọi cho nhân viên của trạm, thông báo biển số xe sắp ra.

Được sự đồng ý của hai cha con ông Mai, xe chúng tôi hiên ngang đi qua hai trạm. Ra đến trạm của Bộ đội Biên phòng, được dặn dò từ trước, tôi bước xuống xe đi vào. Lúc này, ở đây có 2 người đàn ông không mặc quân phục đang ngồi vắt vẻo trên ghế. Tôi giới thiệu là người của ông Mai. Người đàn ông có nước da trắng, tên là Hùng trưởng trạm, gọi điện cho ông Mai, rồi bảo tôi bỏ 300 ngàn đồng ở bàn.

Mất 800 ngàn đồng “tiền luật” ở 3 trạm trên tuyến đường độc đạo - tỉnh lộ 17, chiếc xe chở đầy gỗ lậu của tôi bon bon chạy về phía thị trấn Hương Khê.

MỚI - NÓNG