Thôn Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội) nức tiếng khắp các tỉnh phía Bắc với nghề trồng lá dong gói bánh.
Lá dong Tràng Cát có dáng tròn, mềm và dai, chất lượng, xưa kia thường được chọn để gói bánh chưng tiến vua. Mặt dưới của lá dong Tràng Cát có màu xanh non, nên những chiếc bánh chưng được gói bằng loại lá này sẽ có được màu sắc và mùi thơm hấp dẫn.
Dong là loại cây dễ trồng, không mất quá nhiều công chăm sóc. Người nông dân chỉ cần lấy gốc để trồng một lần và cây sẽ thu hoạch lâu dài.
Trước Tết khoảng 3 tuần, người dân Tràng Cát sẽ bắt đầu cắt lá.
Sau khi lọc, lá được bó thành từng đọt 50 tàu.
Rồi sẽ được vận chuyển về nhà.
Dịp giáp Tết Nguyên đán, thôn Tràng Cát trở nên tấp nập và nhộn nhịp hơn ngày thường.
Lá dong có thể để được từ 15 đến 25 ngày. Người dân nơi đây phải ngâm lá vào nước để duy trì độ tươi.
Anh Nguyễn Văn Triển (40 tuổi, người thôn Tràng Cát) cho biết: do năm nay điều kiện tự nhiên không thuận lợi, sâu bệnh tăng nên lá dong bị xém và hỏng nhiều.
Năm nay, do lá dong hỏng nhiều nên giá có tăng. Những tàu lá dong to, đẹp có thể được bán với giá 80.000 đồng đến 90.000 đồng/100 lá; lá loại trung bình có giá 40 đến 50.000/100 lá.
Theo ông Nguyễn Kim Ghi (56 tuổi, người dân Tràng Cát): trồng lá dong tuy không khó nhưng doanh thu không cao, khoảng 10 triệu đồng/sào/năm. Do đó, nhiều người dân Tràng Cát đã dần chuyển từ trồng lá dong sang trồng cam canh với doanh thu gấp hàng chục lần. Bên cạnh những ruộng lá dong giờ đây xuất hiện thêm nhiều vườn cam canh lớn.
Bản thân gia đình ông Ghi cũng có một vườn cây ăn quả riêng. Nhưng ông khẳng định dù nhiều dù ít cũng sẽ cố gắng duy trì nghề trồng lá dong truyền thống.