'Đọt chuối non' lan tỏa mầm thiện

Nữ sinh xương thủy tinh Đỗ Trần Tú Uyên học tập rất chuyên cần
Nữ sinh xương thủy tinh Đỗ Trần Tú Uyên học tập rất chuyên cần
TP - Nhân vật của chương trình học bổng ấy đều là những tấm gương sáng, ngay từ tuổi bé thơ đã có những nỗ lực vượt khó phi thường để theo đuổi việc học. Các em vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã của số phận để vươn lên.

Đã 6 năm từ ngày được nhận suất trao đầu tiên của Chương trình học bổng Đọt Chuối Non thỉnh thoảng Nguyễn Dũng Hiếu vẫn chủ động liên lạc để chúng tôi - những người tổ chức chương trình được biết là cuộc sống hiện tại của gia đình em đã an lành hơn rất nhiều, so với “ngày xưa”.

Chồi non luôn vươn về phía nắng

Cái “ngày xưa” ấy, nay nhắc lại Hiếu vẫn nghẹn lời. Mùa khai giảng năm 2012, anh Nhất Vương, một tài xế xe buýt đam mê viết lách chạy đến Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, đề nghị báo Tiền Phong giúp Hiếu, cậu học trò lớp 9C trường THCS Đoàn Thị Điểm mồ côi cha vừa học vừa đi làm thuê, tự nuôi thân mình vì anh trai đã phải đưa mẹ suy thận giai đoạn cuối ra một bệnh viện ở Hà Nội nằm chạy thận nhân tạo những mong vớt vát được ngày nào hay ngày đó.

Hoàn cảnh ngặt nghèo của Hiếu đã thúc đẩy nhóm tác giả vừa góp sách tạo nguồn học bổng Đọt Chuối Non, nhanh chóng quyết định trao suất học bổng đặc biệt 5 triệu đồng đầu tiên cho em. Phóng viên còn gõ nhiều cánh cửa, giúp mẹ Hiếu được chuyển về trị bệnh gần nhà, anh trai Hiếu có việc làm với mức lương tạm đủ nuôi mẹ, cho Hiếu yên tâm học tập. Khi giai đoạn nguy khó nhất tạm qua, cả ba mẹ con Hiếu đã đến cảm ơn báo Tiền Phong về suất học bổng và các hỗ trợ thiết thực, cứu vớt cả một gia đình ngày ấy.

Nhưng hằng năm, Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên đều nhận được rất nhiều lời kêu cứu, nhiều trẻ em khát chữ có nguy cơ thất học mong được kịp thời tiếp sức. Điều đó thúc đẩy sự ra đời chính thức của Chương trình học bổng Đọt Chuối Non, do báo Tiền Phong quản lý, Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên điều hành.

Qua 6 năm hoạt động, đến nay Chương trình học bổng Đọt Chuối Non đã trao 260 suất học bổng, trong đó phần lớn số suất trị giá 2 triệu đồng, và nhiều suất đặc biệt từ 3-5 triệu đồng, với tổng số tiền hơn 550 triệu đồng. Có học sinh tâm sự, khoản tiền học bổng đã quý, vì giúp các em nộp học phí, mua sắm sách vở vật dụng sinh hoạt, nhưng em còn vui hơn nữa khi ngắm bảng chứng nhận học bổng và tờ giấy mời có in tên em thật đẹp đẽ trang trọng, trên nền hình đọt chuối non gần gũi tươi xanh, mà mỗi lần nhìn vào đó, các em lại thấy khát vọng dâng trào, như chồi non luôn vươn về phía nắng...

Rèn nhân cách đẹp từ tuổi bé thơ

Một trong  97 học sinh được trao học bổng Đọt Chuối Non lần này, là Lê Thị Hà Vi, con gái một nông hộ nghèo ở thôn 3 xã Ea Bhok huyện Cư Kuin, Đắk Lắk. Suốt mấy tháng  đầu năm 2016, câu chuyện về nữ sinh Hà Vi bị cưa cụt chân phải do tắc trách của một số nhân viên y tế đã khiến dư luận cả nước sục sôi.

Đang là thiếu nữ hồn nhiên xinh đẹp bỗng trở thành người thương tật nặng, phải tập chống nạng để di chuyển, nhưng Hà Vi chưa lần nào tỏ ra bi quan tuyệt vọng. Em vẫn luôn tươi cười, lạc quan để cha mẹ  yên lòng. Thầy Lê Thành Đông, chủ nhiệm lớp 12A2 trường THCS-THPT Đông Du nhận xét: Em Vi thật chăm ngoan lễ phép, rất giàu nghị lực trong cuộc sống và học tập.

'Đọt chuối non' lan tỏa mầm thiện ảnh 1

Hà Vi kiên trì tập luyện trong lạc quan để sớm trở lại trường lớp.

Cùng được nhận suất đặc biệt như Hà Vi, là trường hợp nữ sinh xương thủy tinh Đỗ Trần Tú Uyên. Dù thể trạng vô cùng yếu ớt, chỉ nặng 11 kg, mỗi ngày của Tú Uyên đều là mỗi ngày chiến đấu kiên cường với bệnh tật, nhưng liên tục những năm qua Tú Uyên là học sinh khá giỏi, là niềm tự hào của không chỉ gia đình và thầy trò lớp 10A11 trường THPT Chu Văn An.

Chiều trước ngày Hiến chương nhà giáo, phóng viên sang thăm nhóm 3 học sinh khuyết tật được nhận học bổng Đọt Chuối Non lần thứ 8, đang trong một lớp học thêm rất thú vị. Cô giáo là bà Simon, một tín đồ Công giáo năm nay tuổi đã 80, vẫn bền bỉ nhận dạy thêm tiếng Anh miễn phí hàng tuần cho người nghèo và các cháu khuyết tật. Học trò, gồm hai em khiếm thính là Dương Văn Huy lớp 6 và Nguyễn Quỳnh Thảo Vy lớp 7, đều là học sinh xuất sắc, viết chữ rất đẹp của trường chuyên biệt Vi Nhân. Trò thứ ba là Hồ Thị Ái Vy, khiếm thị, học sinh lớp 7A trường THCS Phạm Hồng Thái, tuy hỏng cả 2 mắt nhưng vẫn đạt học lực giỏi. Tại đây còn mấy trẻ khiếm thị nữa, nhưng không đủ điều kiện học hành vì quá thiếu các bộ sách học bằng chữ nổi Braille. Bà Simon khẩn khoản nhờ giúp. Phóng viên lại hứa sẽ đi tìm...

'Đọt chuối non' lan tỏa mầm thiện ảnh 2

 Buổi học tiếng Anh của ba học sinh khiếm thị khiếm thính với bà Simon tại trường Vi Nhân

Theo dự định ban đầu, Chương trình học bổng Đọt Chuối Non lần thứ 8 sẽ trao 80 suất cho những tấm gương sáng về hiếu học, hiếu thảo do Sở GD-ĐT 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông tiến cử. Thế nhưng, các cộng tác viên và thầy cô giáo nhiệt tình tiến cử thêm nhiều em nữa, trường hợp nào cũng xứng đáng được khen thưởng và khích lệ, nên rốt cục danh sách chốt lại lên đến 97 học sinh cả 3 cấp phổ thông, đến từ 14 huyện, thành phố, thuộc 10 dân tộc. Niềm vui lớn, là ngoài những Mạnh Thường Quân cũ và mới của chương trình, năm nay ban tổ chức Chương trình học bổng Đọt Chuối Non còn được tiếp sức từ lãnh đạo Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk, giúp chương trình thiện nguyện này tiếp tục lan tỏa.

Vì sao là “Đọt chuối non” ? 

Ý tưởng lập quỹ học bổng hỗ trợ học sinh nghèo của đôi vợ chồng kiều bào Trần Đình Hoành và Trần Lê Túy Phượng, sau nhiều lần bàn bạc cùng đại diện báo Tiền Phong, đã dẫn đến việc hình thành Chương trình học bổng Đọt Chuối Non.

'Đọt chuối non' lan tỏa mầm thiện ảnh 3

Trao học bổng Đọt Chuối Non 2014

Ông Trần Đình Hoành tốt nghiệp tiến sĩ luật tại Mỹ, sống và làm việc tại thành phố Washington từng là công tố liên bang Mỹ về luật chống độc quyền kinh tế, tranh tụng thương mại, đầu tư và tranh tụng quốc tế.  Nhận lời mời từ Bộ Tư pháp Việt Nam, luật sư Hoành đã nhiều lần về Việt Nam giảng dạy, tư vấn luật. Năm 2008, ông Trần Đình Hoành được Chính phủ tặng bằng khen.

Luật sư Hoành lập website Đọt Chuối Non từ tháng 2/2009 để truyền tải các thông điệp về Tư duy tích cực cho giới trẻ ở Việt Nam. Từ đó đến nay, đều đặn mỗi ngày ông viết một bài “trà đàm”. Tuyển chọn hơn 2.000 “trà đàm” từ website này, Nhà Xuất bản Phụ nữ tại Hà Nội đã cho in thành sách. Tựa cuốn đầu tiên “Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống” chính là slogan của website và học bổng. Đầu sách thứ ba dự kiến ra đời đầu năm 2017 mang tên “99 Bát canh rau cho tinh thần”.

Để có tài chính tạo nguồn cho chương trình, năm 2012, luật sư Trần Đình Hoành tái bản sách “Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống” lần thứ ba, phóng viên báo Tiền Phong in bộ sách hai tập ký sự báo chí “Nghịch lý trên dòng sông chảy ngược”. Toàn bộ nhuận bút, tiền bán sách được 2 tác giả dùng xây dựng quỹ học bổng Đọt Chuối Non. Về sau, chương trình học bổng Đọt Chuối Non nhận được ngày càng nhiều sự đóng góp, tài trợ tích cực của nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.  

Báo Tiền Phong trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ cho chương trình học bổng Đọt Chuối Non lần thứ 8: Từ Hà Nội- Một lãnh đạo ngân hàng Nhà nước 10 triệu đồng; Ông Trần Hùng 8 triệu đồng; Đại sứ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2017 Phùng Bảo Ngọc Vân 15 triệu đồng; Công ty CP Truyền thông Đông Nam 30 triệu đồng; Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà số sáu 20 triệu đồng; Công ty CP Tiến bộ Quốc tế 40 triệu đồng. Tại Buôn Ma Thuột có: Ông Trịnh Xuân Mười 137 Nguyễn Thái Bình 10 triệu đồng; Gia đình bác sĩ PTT 20 triệu đồng, bác sĩ NVM 10 triệu đồng; Ks Nguyễn Đăng Phong 10 triệu đồng;  Gia đình thầy thuốc Khăm Phết Lào 10 triệu đồng; Công đoàn BIDV chi nhánh Đắk Lắk 15 triệu đồng; Bệnh viện mắt Tây Nguyên 10 triệu đồng; 2 cán bộ Viện KSND tỉnh 10 triệu đồng; Ông Đậu thương binh 5 triệu đồng; Bà Nguyễn Thị Phụng 121 Lý Thái Tổ 5 triệu đồng; Bà Vũ Thị Thanh Kiên giám đốc công ty Bảo hiểm BSH 4 triệu đồng; Bà Phan Thị Lan 87 Lý Thái Tổ 4 triệu đồng; Bà Lê Thị Hương Cơ khí Ngọc 4 triệu đồng; Bà Đào TT 3 triệu đồng; Ông MP Sơn 1 triệu đồng; Bà Minh Nhật 500 nghìn đồng; Nhóm từ thiện Krông Bông 500 nghìn đồng và 1 chiếc xe đạp. Từ TPHCM có luật sư LMH 4 triệu đồng. Từ Paris-Pháp có Hội Hữu nghị Việt Pháp vùng Choisy Le Roi  20 triệu đồng .

Chương trình học bổng Đọt Chuối Non còn được hỗ trợ quà, in ấn, khách sạn, thiết bị trong việc tổ chức lễ trao học bổng lần thứ 8 bởi 4 doanh nghiệp tại Buôn Ma Thuột, gồm Công ty TNHH Công Nghệ Việt, 32 Ngô Quyền; Công ty Truyền thông Sự kiện Pro, 71 An Dương Vương; Công ty TNHH SXTMDV Mặc Vi, 128  Lý Thường Kiệt; Đam San Tourist 212 Nguyễn Công Trứ; Từ TPHCM có Công ty Cổ phần tập đoàn Trung Nguyên.

MỚI - NÓNG