Sau khi báo chí đăng tin, người trong cuộc chỉ chia sẻ ngắn gọn “Để công an làm việc”. Đương nhiên các cơ quan chức năng đã vào cuộc, vì nếu đúng như vậy thì đây là vụ án có tính chất nghiêm trọng, trong khi số tiền quá lớn so với một cán bộ cấp huyện.
Từ ngày 1/7 tới đây, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức dự kiến sẽ được tặng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp), dựa trên nghị quyết cải cách chính sách tiền lương mới. Khoản tiền được tăng thêm không biết có đủ để chống “trượt giá”, nhưng cũng là tin vui với hàng triệu người làm công ăn lương. Dù ngày ngày đọc báo xem đài nhiều người đã “chai lỳ” dần với những con số trăm tỷ, ngàn tỷ, triệu tỷ bị thất thoát, bị chiếm đoạt, và được đem đi chia chác, hối lộ cho nhau.
Vừa thấy ở quận 5 TP.HCM có phiên chợ “tiền lá” thu hút hàng ngàn người tham gia. Tiền là những chiếc lá bồ đề (làm từ giấy) phát cho mọi người đến phiên chợ nghĩa tình này, chủ yếu là bà con nghèo để đổi các món ăn, thức uống, nhu yếu phẩm. Trước đó ở Tây Ninh cũng có những phiên chợ nghĩa tình mà tiền là những chiếc lá thật do người mua tự hái ở những vạt cây ven đường mang đến. Liên tưởng bài thơ Tiền và lá từ gần 70 năm trước của tác giả Kiên Giang (có người nói là của Nguyễn Bính) “Anh moi đất nặn hình người/Em thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền/Mỗi tuần chợ họp đôi phiên/Anh mang người bán lấy tiền lá rơi…”.
Thiếu nữ Bella Baxter trong phim Poor Things ảo tưởng ngây thơ về sự cứu rỗi của đồng tiền, rằng “chúng ta phải đi giúp họ”. Nhưng tiền bạc đã phát huy ngay sự ma quỷ của nó khi Bella đem trao số tiền lấy trộm của gã nhân tình cho mấy tay thủy thủ láu cá mà cô cứ tưởng sẽ được chuyển đến tay những đứa bé nghèo bất hạnh. Cay đắng vì tiền nhất có lẽ là văn hào Nga Dostoevsky, bởi tiền bạc luôn tỉ lệ nghịch với tài năng của ông. Đến nỗi phải thốt lên, rằng “điều hèn hạ và đáng khinh bỉ nhất về tiền bạc là nó thậm chí còn tạo ra tài năng”. Thì nói như Robert Frost, thi sĩ người Mỹ duy nhất được trao tới 4 giải Pulitzer về thơ “Tiền không có trong thơ. Nhưng cũng không có thơ trong tiền”.
Mỗi năm có hàng trăm các loại ngày kỷ niệm, kể cả Ngày giun đất thế giới (World Earthworm Day), nhưng không có Ngày thế giới về tiền, dù cả cõi nhân gian này đều quay cuồng, sống chết đánh đổi tất cả vì nó. Bất kể là ai. Bất kể chợ hay chùa. Và quả thật làm gì có thơ trong tiền. Những khoản tiền “li ti” rơi vãi của người này lại là cả gia sản mơ ước với bao người khác.
Nhớ mấy năm trước, có doanh nhân kiêm diễn giả, chuyên viết sách dạy làm giàu, đã leo lên khinh khí cầu ôm cả bao tiền lẻ loại 5.000 đồng, 10.000 đồng rải xuống xứ Huế mộng mơ, nhằm “truyền cảm hứng” làm giàu cho đồng loại. “Tiền là giấy bạc em ơi/Tiền là giấy bạc của người làm ra”.
Còn giờ đây, đi trên đường khắp nơi đều thấy giới cần lao cúi gục mặt vào điện thoại, cười tủm tỉm. Hạnh phúc, niềm vui thật dễ dàng, từ món tích tốc. Còn gì hơn phút giây được quên đi tiền và sự nhọc nhằn kiếm từng đồng bạc mưu sinh. Đúng nghĩa là những đồng bạc lẻ, li ti…