Trong một nghiên cứu mới, các nhà khảo cổ học từ Đại học Leiden (Hà Lan) đã đưa ra đánh giá rằng, tiền có thể đã tồn tại từ thời kỳ đồ đồng sớm (khoảng 3500 -2000 TCN) ở Trung Âu. Kết luận này được đưa ra căn cứ vào sự tương đồng của những cổ vật được tìm thấy.
Theo đó, các nhà khảo cổ đã nghiên cứu hơn 5.000 cổ vật có hình dạng như nhẫn, xương sườn và lưỡi rìu, được lấy từ hơn 100 nơi chứa cổ vật có giá trị. Họ so sánh trọng lượng của các cổ vật bằng một nguyên tắc được gọi là phân số Weber – nếu các vật thể có khối lượng tương đương nhau, không thể phân biệt được bằng tay.
Nhóm nghiên cứu phát hiện, mặc dù trọng lượng của các món cổ vật khác nhau, nhưng khoảng 70% nhẫn giống nhau đến mức không thể phân biệt bằng tay, trung bình khoảng 195 gram. Kết quả cũng tương tự với xương sườn và lưỡi rìu.
Các nhà khảo cổ học cho rằng, sự tương đồng nhất quán về hình dạng và trọng lượng, cùng với thực tế là những món đồ cổ này thường xuất hiện trong các kho chứa, là những dấu hiệu cho thấy chúng được sử dụng như một dạng tiền tệ tiêu chuẩn ban đầu.
Tiến sĩ Maikel Kuijpers, trợ lý giáo sư tại Đại học Leiden kiêm tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, đồng tiền của thời tiền sử có dạng nhẫn đồng, xương sườn và rìu. “Những đồ tạo tác từ thời kỳ đồ đồng sớm này đã được tiêu chuẩn hóa về hình dáng và trọng lượng, được sử dụng như một dạng tiền sơ khai. Sau đó, vào thời kỳ đồ đồng giữa (khoảng 2000-1600 TCN) của châu Âu, các công cụ cân chính xác hơn xuất hiện trong hồ sơ khảo cổ học, cùng với sự gia tăng của đồng phế liệu, cho thấy hệ thống đo lường đã phát triển”, Tiến sĩ Kuijpers nói.
Phát hiện trên được công bố trên tạp chí PLOS One.