Đồng thuận để an cư

Đồng thuận để an cư
TP - Cả nước hiện có 3 triệu mét vuông sàn chung cư cũ được xây dựng trước năm 1991 với hơn 10 vạn hộ dân đang sinh sống. Trong đó, có 1 vạn hộ đang ở trong các khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.

> Tiến độ 'rùa' cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội 

Rõ ràng, nhu cầu cải tạo, xây mới những khu nhà này là rất cấp thiết, bởi 1 vạn hộ dân cũng đồng nghĩa với vài chục nghìn người đang phải sinh hoạt trong điều kiện chật chội, không đảm bảo an toàn. Người dân không thể an cư trong điều kiện sống như vậy. Đó là chưa kể những khối nhà chung cư cũ với tường rêu, gạch vỡ nham nhở cũng khiến bộ mặt đô thị của Thủ đô thêm nhếch nhác.

Do vậy, chủ trương cải tạo chung cư cũ được Hà Nội đưa ra đã nhận được đồng tình cao của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện thì hàng hoạt những phát sinh, mâu thuẫn không được kịp thời và quyết liệt giải quyết.

Vấn đề mấu chốt ở đây là lợi ích của chủ đầu tư và người dân. Doanh nghiệp chỉ tham gia khi đạt được mức lợi nhuận nhất định. Trong khi, những khu chung cư cũ đều nằm trong nội đô, không để xây quá cao tầng. Chính vì giới hạn này mà có chủ đầu tư đã phải “bỏ của chạy lấy người” vì không thấy lợi nhuận sau một thời gian tính toán thiệt hơn.

Người dân thì muốn nhà mới phải đẹp, càng rộng hơn nhà cũ càng tốt. Có trường hợp 2- 3 thế hệ, gia đình sống trong một căn hộ, có diện tích lấn chiếm bằng cả diện tích căn hộ nguyên gốc, lại đang kinh doanh thuận lợi ở tầng 1 nên không mặn mà trong việc di chuyển.

Một số khối nhà được cải tạo, xây mới được tại Kim Liên, Giảng Võ (Hà Nội) là do có vị trí đắc địa, chủ đầu tư khai thác được mặt bằng tầng trệt với giá trị cao nên sẵn sàng chấp nhận những yêu cầu của người dân. Còn lại các khu khác hầu như bế tắc trong giải phóng mặt bằng và giải quyết bài toán lợi ích giữa hai bên.

Muốn đẩy nhanh quá trình này, rõ ràng phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính quyền. Ngoài chủ trương chính sách, thành phố phải tham gia trực tiếp cùng chủ đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng. Những khu nhà nào mà đa số người dân đã đồng tình phương án cải tạo, nhưng còn một số ít hộ vì lợi ích cá nhân mà chưa đồng ý thì phải cưỡng chế theo Luật Nhà ở.

Chỉ khi nào chính quyền vào cuộc mạnh mẽ, người dân vì lợi ích chung của cả cộng đồng dân cư trong khu nhà thì chủ trương này mới có thể đẩy nhanh được, bộ mặt đô thị Thủ đô mới sớm được cải thiện.

Suy cho cùng, có an cư thì mới lạc nghiệp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.